Trung Quốc đang tăng cường dự trữ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên thị trường tài chính, “Tiến sĩ Đồng” đề cập đến ý tưởng rằng giá của kim loại này có thể được sử dụng làm phong vũ biểu cho sức khỏe của nền kinh tế thế giới.
Trung Quốc đang tăng cường dự trữ đồng

Nếu nhìn vào giá đồng trong những tháng gần đây, chúng ta sẽ nghĩ rằng thế giới đang phát triển vì giá đồng đã tăng gần 10% trong sáu tháng qua. Nhưng trên thực tế, điều mà xu hướng này đang chỉ tới lại là một điều hoàn toàn khác: đó là hoạt động dự trữ của Trung Quốc.

Hàng tồn kho thường tăng vào dịp Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1 do các nhà máy luyện kim của Trung Quốc tiếp tục làm việc trong kỳ nghỉ lễ nhưng nhiều nhà máy giảm hoạt động. Tồn kho đã tăng từ 30.905 tấn vào cuối tháng 12 lên 285.090 tấn vào cuối tháng 2, nhưng nhập khẩu cũng tăng so với cùng kỳ mặc dù lượng tồn kho tăng mạnh.

Xu hướng này đã thu hút sự chú ý của các nhà quan sát thị trường vì tầm quan trọng của đồng đối với nền kinh tế xanh.

Xe điện, dây dẫn điện và các tấm pin mặt trời đều cần đồng và rất nhiều đồng. Trong nhiều trường hợp là không có sự thay thế.

Nguồn cung đồng đã bị thắt chặt sau khi một loạt mỏ giảm dự báo sản lượng vào cuối năm ngoái. Nhiều mỏ khai thác trên thế giới sắp hết tuổi thọ và chất lượng quặng ngày càng suy giảm, nghĩa là cần nhiều hơn nữa để đạt được tiêu chuẩn tương tự.

Ewa Manthey, nhà phân tích của ngân hàng ING cho biết, việc đóng cửa một mỏ đồng ở Panama và thiếu các dự án mới đang triển khai cho thấy nguồn cung sẽ giảm. Goldman Sachs kỳ vọng nhu cầu sẽ vượt xa nguồn cung trong năm nay.

Trung Quốc hiện là nước sản xuất và tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới. Kho dự trữ chiến lược của nước này đã giúp họ có tác động đến giá cả trên thị trường toàn cầu và bảo vệ khỏi tình trạng thiếu hụt cho ngành công nghiệp nội địa.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc siết chặt việc sử dụng đồng tạo ra mối đe dọa tiềm tàng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của phương Tây.

Kieran Tompkins, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics cho biết: “Trung Quốc nắm giữ hầu hết các quân bài về đồng cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh”.

Trong bối cảnh này, quy mô kho dự trữ của Trung Quốc cũng như động cơ của Trung Quốc là rất quan trọng.

“Chúng tôi không thể biết chắc chắn liệu Trung Quốc có đang dự trữ hay không, bởi vì chúng tôi thực sự không biết về số lượng hàng tồn kho mà nước này có trên các sàn giao dịch. Nhưng những gì chúng tôi có thể nói là Trung Quốc đã thực sự khẳng định mình là nhà sản xuất đồng tinh chế ở vị thế thống trị”, nhà kinh tế Kieran Tompkins cho biết.

Ngay cả khi lượng nhập khẩu khác sụt giảm, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua thêm nguyên liệu để sản xuất đồng tinh chế. Trong đó, toàn bộ sự gia tăng sản lượng đồng tinh chế toàn cầu vào năm 2023 là do Trung Quốc.

Nhà kinh tế Kieran Tompkins cho biết, điều này đã giúp Trung Quốc củng cố vị thế thống trị của mình trong việc cung cấp “vật liệu sẽ được sử dụng trong các ngành công nghiệp quan trọng liên quan đến chuyển đổi xanh”.

Điều này một phần phản ánh sự thay đổi trọng tâm của nền kinh tế nội địa Trung Quốc: nước này đã chuyển từ tập trung vào phát triển bất động sản và công nghệ sang tăng cường sản xuất xe điện và tấm pin mặt trời một cách ồ ạt.

Tuy nhiên, sức mạnh thị trường này cũng mang lại cho Trung Quốc đòn bẩy đáng kể trong bối cảnh nhu cầu về đồng được dự đoán sẽ tăng, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

“Theo quan điểm của chúng tôi, sự kết hợp giữa trữ lượng đồng thấp kỷ lục trên toàn cầu, kỳ vọng của chúng tôi về nguồn cung mỏ đạt đỉnh vào năm tới, tốc độ tăng trưởng nhu cầu xanh nhanh chóng và độ co giãn thấp của cả cung và cầu sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm đồng vào năm 2025”, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết trong báo cáo gần đây.

“Nếu chúng ta không tìm thấy các mỏ đồng mới hoặc chúng không được đưa vào hoạt động đủ nhanh thì chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài. Điều này sẽ dẫn đến giá đồng cao hơn trong một khung thời gian dài hơn”, nhà phân tích Ewa Manthey cho biết.

Giá đồng cao hơn và tình trạng thiếu hụt trong dài hạn “cũng sẽ dẫn đến sự chậm lại trong việc áp dụng năng lượng xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng”.

Nếu phương Tây muốn tránh phụ thuộc vào Trung Quốc thì phải tăng cường đầu tư đáng kể vào khai thác đồng. Điều đó có vẻ khó xảy ra đối với các chính phủ Mỹ và châu Âu đang ngập trong nợ.

Trong khi đó, ngành công nghiệp, nhà đầu tư và chính trị gia đều sẽ lo lắng theo dõi kho dự trữ đồng của Trung Quốc tăng lên.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục