Việc đồng nhân dân tệ (CNY) ngày càng xuống giá được xem là một tình thế "tiến thoái lưỡng nan" đối với Chính phủ Trung Quốc. Đó là bởi việc đồng CNY yếu hơn sẽ là điều tốt cho hoạt động xuất khẩu vốn đang gặp khó khăn, nhưng cũng có thể khiến Bắc Kinh phải đối mặt với cáo buộc về việc thao túng tiền tệ từ Washington.
Việc cặp tiền tệ USD/CNY có sự chênh lệch ngày càng lớn là do lãi suất đang tăng ở Mỹ nhưng lãi suất lại đang giảm ở Trung Quốc, điều này khiến khoảng cách giữa lợi tức trái phiếu Mỹ và Trung Quốc ngày càng lớn, từ đó khiến đồng nhân dân tệ yếu hơn.
Chưa dừng lại, theo công cụ FedWatch của CME Group, có tới 74% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 7. Thực tế, có rất ít cơ hội Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay vì lạm phát khó có thể về được mức mục tiêu 2% của Fed trong năm2023.
Trong khi đó, ông David Brown, Giám đốc điều hành của New View Economics đánh giá, nền kinh tế Trung Quốc có vẻ sẽ không đạt được mức tăng trưởng 5% trong năm nay như kỳ vọng trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn rất ảm đạm. Trung Quốc còn rất nhiều "đất" để giảm lãi suất do ít phải lo về lạm phát. CPI của Trung Quốc trong tháng 5 chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí CPI tháng 4 chỉ tăng 0,1%.
Nếu không có sự can thiệp kịp thời, tỷ giá CNY/USD có thể vượt qua mức đỉnh năm 2022 là 7,33 - 7,5 CNY/USD - một tỷ giá chưa từng thấy kể từ năm 2007.
Đó thực sự là một băn khoăn lớn của các nhà chức trách Trung Quốc rằng nên để đồng tiền yếu đi nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hay giữ giá trị để duy trì sự ổn định của nền kinh tế.
Ông Alvin Tan, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets nhận định: “PBOC về cơ bản có vẻ hài lòng với việc đồng nhân dân tệ mất giá, trong bối cảnh đà tăng trưởng của Trung Quốc đang hụt hơi. Xét cho cùng, đồng tiền mất giá chính là một dạng của nới lỏng chính sách tiền tệ”.