Trung Quốc đang lĩnh ấn “tiên phong” trong BRICS

(ĐTCK) Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra từ ngày 8 - 10/7 tại thành phố Ufa, cửa ngõ nối phần châu Á và châu Âu của nước Nga.
Lãnh đạo khối BRICS trong cuộc họp thượng đỉnh 2014 (ảnh: internet) Lãnh đạo khối BRICS trong cuộc họp thượng đỉnh 2014 (ảnh: internet)

Hội nghị này thu hút sự chú ý các nhà phân tích và giới đầu tư, khi quy mô kinh tế của BRICS đã tiệm cận với Mỹ, và Trung Quốc đang được coi là đầu tàu lĩnh ấn “tiên phong” về phát triển kinh tế trong BRICS.

Theo ước tính, tổng sản lượng kinh tế năm 2014 của 5 nền kinh tế BRICS đã gần tương đương so với mức GDP của Mỹ, trong khi hồi năm 2007, kinh tế Mỹ có quy mô lớn gấp đôi so với BRICS (xem biểu đồ 1).

Jim O’Neill, cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Goldman Sachs, đồng thời là “cha đẻ” của cụm từ BRIC hồi năm 2001 (lúc đó chưa có Nam Phi) nhận định: “Bất chấp một số thông tin đáng thất vọng về một số nền kinh tế BRICS, tỷ trọng của BRICS trong kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng và nhóm này vẫn giữ vai trò rất quan trọng”.

Với riêng Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đang tích cực thúc đẩy vị thế của Bắc Kinh nói riêng và BRICS nói chung. Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này được coi là cơ hội để Trung Quốc gia tăng sự ủng hộ về vai trò của nước này trên trường thế giới.

Zhu Jiejin, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu BRICS tại Đại học Fudan (Trung Quốc) cho rằng, Bắc Kinh tìm cách thích ứng các khuôn khổ hiện tại, đồng thời cố gắng đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Trung Quốc muốn tìm kiếm những sự thay đổi đó cùng với Ấn Độ, Braxin, Nga và Nam Phi, hơn là thực hiện một mình.

Trung Quốc đang lĩnh ấn “tiên phong” trong BRICS ảnh 1

Bản thân Ấn Độ và Nga đã thể hiện sự hợp tác gần gũi hơn với Trung Quốc, khi hai nước này là hai nhà đóng góp vốn lớn nhất cho Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng. Bên cạnh đó, Chính phủ Nga hồi cuối tháng 4 vừa qua đã phê chuẩn hiệp định thành lập Quỹ Dự trữ ngoại tệ BRICS. Đây được xem như một nhân tố quan trọng giúp các nước thành viên chống đỡ với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện nay, một trong những vấn đề được giới chuyên gia phân tích nhiều là việc thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS với tổng số vốn điều lệ 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 40% (tương đương 40 tỷ USD) và Nga đóng góp 20% (20 tỷ USD).

Kể từ Hội nghị thượng đỉnh năm 2009, Trung Quốc đã ghi nhận tốc độ phát triển kinh tế đột phá trong BRICS, với GDP tăng từ mức tương đương 4 nền kinh tế BRICS cộng lại lên mức gần gấp đôi vào năm 2014 (xem biểu đồ 2).

Trung Quốc đang lĩnh ấn “tiên phong” trong BRICS ảnh 2

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có sự thay đổi đáng kể tới năm 2025, với thứ tự sắp xếp theo GDP lần lượt thuộc về Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Trong khi đó, một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra năm 2014 đánh giá, cả 5 nền kinh tế BRICS đều nằm trong nhóm 10 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới, trong đó Trung Quốc (10.400 tỷ USD), Brazil (2.400 tỷ USD), Ấn Độ (2.000 tỷ USD) và Nga (1.900 tỷ USD).

Điều đáng chú ý là cả Mỹ lẫn Liên minh châu Âu dường như chưa chú ý đúng mức với sự phát triển cả về chính trị và kinh tế của BRICS và SCO, đặc biệt là “tam giác chiến lược” Nga - Trung - Ấn trên bản đồ chính trị toàn cầu. Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, trong điều kiện phát triển thuận lợi, các nước thành viên BRICS và SCO trong vòng 30 năm tới hoàn toàn có khả năng thách thức khối G7 trên trường kinh tế và chính trị toàn cầu.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục