Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua vắc xin Covid-19: Mừng, lo lẫn lộn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc đang nổi lên như người dẫn đầu trong cuộc đua sản xuất vắc xin Covid-19 với tham vọng tung sản phẩm ra thị trường vào cuối năm nay với giá cả hợp lý. Diễn biến này một phần mang lại hy vọng sớm kiểm soát đại dịch, nhưng phần khác làm dấy lên không ít lo ngại về tính an toàn, cũng như khả năng Trung Quốc sử dụng sản phẩm này để “phô diễn” sức mạnh.
Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua vắc xin Covid-19: Mừng, lo lẫn lộn

Trung Quốc hiện có 9 sản phẩm vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm, bao gồm 5 loại ở giai đoạn 3 – bước cuối cùng của quá trình chế tạo vắc xin trước khi được cấp phép sử dụng đại trà. Thành quả này có được sau nhiều năm nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm của các tổ chức có hậu thuẫn nhà nước.

Trong tuần trước, CanSino, nhà sản xuất thuốc Trung Quốc cho biết, Công ty đang tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ 3 tại Ả Rập Xê út với 5.000 tình nguyện viên.

Trong số 29 loại vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm trên toàn cầu, Trung Quốc có 9 ứng cử viên, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Trong số 7 loại vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 3, có 5 loại xuất xứ từ Trung Quốc. Thậm chí, một loại vắc xin đã được Trung Quốc cấp bằng sáng chế và dự kiến có thể đưa vào sử dụng trong vài tháng tới.

Theo truyền thông chính thống Đại lục, kết quả này có được là nhờ mối liên kết chặt chẽ giữa các công ty dược phẩm và các viện nghiên cứu nhà nước. Trong đó, 3 doanh nghiệp nổi bật nhất là CanSino, Sinopharm và Sinovac Biotech.

Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua vắc xin Covid-19: Mừng, lo lẫn lộn ảnh 1

Sản phẩm vắc xin của CanSino đã được cấp bằng sáng chế

CanSino là một công ty khởi nghiệp sở hữu tư nhân nhưng lại liên kết nghiên cứu với sự hỗ trợ từ quân đội. Sinopharm, một nhà sản xuất thuốc có dự án vắc xin Covid-19 khác là doanh nghiệp nhà nước, trong khi Sinovac Biotech là liên doanh giữa Đại học Peking và công ty Hồng Kông. Tất cả các doanh nghiệp này đều có mối liên kết gần gũi với các cơ quan chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cũng theo truyền thông Trung Quốc, CanSino và Sinovac đang chuẩn bị để nâng khả năng sản xuất sản phẩm lên mức 100 – 200 triệu liều mỗi năm với sự hỗ trợ từ chính phủ.

Thực tế, Trung Quốc đã nổi lên như người dẫn đầu lĩnh vực sản xuất vắc xin trên toàn cầu kể từ năm 2008, nhất là dòng sản phẩm vắc xin bất hoạt (inactivated vaccines).

Ví dụ, theo Nikkei Asia, đối với vắc xin dành cho RNA virut, có 106 bằng sáng chế được Trung Quốc cấp trong năm 2019, so với 61 bằng sáng chế tại Mỹ.

Vắc xin bất hoạt đã xuất hiện trong thời gian dài và tính hiệu quả, an toàn được kiểm chứng. Tuy nhiên, vì một số lý do y khoa, các nhà sản xuất vắc xin châu Âu và Mỹ đã không sử dụng cách tiếp cận này trong việc sáng chế vắc xin Covid-19. Trong khi đó, 3 loại vắc xin của Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 thuộc dòng vắc xin bất hoạt và trong số 5 dự án sáng chế vắc xin trên thế giới theo đuổi phương pháp vắc xin bất hoạt, 4 dự án thuộc về Trung Quốc.

Một vấn đề gây lo ngại khác là vắc xin của Trung Quốc hiếm khi phân phối tại thị trường nước ngoài và chưa được biết đến nhiều về tính hiệu quả thực sự. Các thử nghiệm y học của Trung Quốc tập trung vào tốc độ, ít công bố thông tin về tính hiệu quả, cũng như những tác dụng phụ. Theo một số nhà nghiên cứu Nhật Bản, ngay cả khi đã qua vòng thử nghiệm, những lo lắng về an toàn vẫn tồn tại.

Đáng chú ý, trong cuộc gặp thường niên của WHO vào tháng 5/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: “Việc sáng chế và sản xuất vắc xin Covid-19 tại Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích tích cực cho thế giới. Đó sẽ là đóng góp của Trung Quốc trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận, cũng như mức giá hợp lý cho người dùng vắc xin tại các quốc gia đang phát triển”.

Theo giới chuyên gia, phát biểu này có phần nhấn mạnh tới mục tiêu thị phần dành cho sản phẩm vắc xin Covid-19 tại thị trường nước ngoài. Cũng không loại trừ khả năng vắc xin Covid-19 trở thành “vũ khí” để Trung Quốc đạt được một số mục tiêu chính trị tại thị trường quốc tế, gia tăng sức ảnh hưởng lên một số quốc gia.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục