Việc một quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, một nền kinh tế phụ thuộc đến mức nguy hiểm vào xuất khẩu vẫn “sống tốt” trong khủng hoảng dường như chỉ có thể giải thích như một sự kiện huyền bí hơn là một trường hợp kinh tế. Trung Quốc đã làm nên kỳ tích với một chiến dịch kích thích và mở rộng tín dụng chưa từng có, và chiến dịch này đã tiếp diễn cho đến tận gần đây.
Nhưng đó cũng là lý do vì sao, cú huých tín dụng gần đây khiến nhiều nhà quan sát Trung Quốc tự hỏi: liệu nó có còn tác dụng? Rất có thể.
Tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng thêm 44,4 tỷ USD trong tháng 7, mức thấp nhất theo tháng, kể từ cuối năm 2008. Điều gây lo lắng hơn bản thân con số đó là môi trường thanh khoản tương phản với những dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đã nới lỏng các điều kiện tiền tệ trong quý II một cách điên cuồng nhất kể từ gần 2 năm qua.
Nguyên nhân của bất hợp lý trên có thể được tìm thấy gián tiếp trong những dữ liệu khác được công bố gần đây: cỗ máy kích thích của Trung Quốc đang “trượt cá”.
Hôm 5/8, theo các dữ liệu kinh tế được công bố, lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đang cho thấy sự trì trệ, bất chấp những nỗ lực kích thích của Chính phủ. Việc chỉ số nhà quản trị mua hàng giảm xuống mức 50, ngưỡng phân chia giữa tăng trưởng và suy giảm, từ mức 53,1 của tháng 6, gợi ý rằng, các nhà hoạch định chính sách đang thất bại trong việc tạo ra tăng trưởng mà không dựa vào sản xuất. Thị trường trái phiếu tư nhân của Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro vỡ nợ tăng lên. Tổng nợ liên tiếp phá vỡ các kỷ lục ngay cả khi tăng trưởng quốc dân ở mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ qua.
Tình trạng dư cung bất động sản cũng ngày càng trở thành vấn đề lớn. Một bài viết đăng trên Bloomberg News hôm 7/8 thực sự đáng chú ý. Bài viết đã khám phá ra một sự thật: lĩnh vực nhà ở, một thời phát triển mạnh, của Trung Quốc đã trở nên dư thừa và các nhà phát triển đang phải miễn cưỡng bán sản phẩm của mình ở các mức giá thấp hơn mức mà họ có thể bán được chỉ vài tháng trước. Điều đó có nghĩa rằng, khi tăng trưởng chậm lại, các điều kiện trên thị trường bất động sản trở nên tồi tệ nhanh chóng và gây hệ lụy cho hoạt động xây dựng, một lĩnh vực vừa mới giúp vực lại tăng trưởng.
Tại 20 thành phố lớn của Trung Quốc, lượng tồn kho nhà ở mới trong tháng 6 đã nhiều hơn doanh số bán hàng của 23 tháng trước đó. Hãy tưởng tượng điều gì có thể xảy ra vào tháng 9, khi tăng trưởng thậm chí còn chậm hơn. Cũng trong tháng 6, số sàn không bán được của các chung cư mới trên khắp nước này đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Liệu các thành phố ma của Trung Quốc có lan rộng thành các tỉnh ma hay thậm chí là các khu tự trị ma?
Có một tin tốt và một tin xấu trong câu chuyện Trung Quốc đánh mất “cây đũa thần” kích thích tăng trưởng. Tin tốt là: Điều đó sẽ hối thúc Chủ tịch Tập Cận Bình chấm dứt thói nghiện tín dụng giá rẻ và nợ chính quyền địa phương, một công thức hiện đang gây ra các bong bóng hơn là tăng trưởng. Tin xấu là: Các thị trường toàn cầu có thể không sẵn sàng với những dữ liệu xấu được phát ra từ một nền kinh tế mà họ nghĩ rằng, nó có thể “thách thức trọng lực” mãi mãi.
Năm 2008, Trung Quốc đã chuyển đổi mô hình kinh tế theo những cách không được nhiều người đánh giá cao. Trước đó, xuất khẩu là tất cả công việc mà nền kinh tế này phải làm. Sau khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã trói vận mệnh của mình, theo cách diễn đạt của các nhà phân tích ở Stratfor Global Intelligence, vào một “mối ràng buộc giữa tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng - một điều mà Chính phủ nước này hiện đang vật lộn để chạy đua với thời gian và rủi ro khủng hoảng, nhằm thoát nạn”.
Vào năm 2010, James Chanos, một nhà quản lý quỹ đầu ở ở New York, đã bắt đầu cảnh báo về việc Trung Quốc đang tiến đến một “vòng xoáy địa ngục”. 4 năm sau, điều Chanos muốn ám chỉ trở nên không có gì huyền bí. Bí mật đang dần hé mở mà chưa cần phải có một sự đổ vỡ của nền kinh tế Trung Quốc hay kinh tế toàn cầu.