“Một sự thật không thiên vị mới đang diễn ra, điển hình là tâm lý bi quan - đang trở nên khó thay đổi”, báo cáo khảo sát niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc, được công bố cuối tuần qua, cho biết. “Nhiều công ty châu Âu đang tự hỏi rằng, liệu ‘kỷ nguyên vàng’ của các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc đã trôi qua”.
Với nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và chi phí lao động tăng lên, cũng như sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các công ty địa phương, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp châu Âu đang cảm thấy túng quẫn. Nhìn chung, 59% doanh nghiệp được khảo sát báo cáo có tăng trưởng doanh thu theo năm trong năm 2013, giảm từ mức 62% của năm 2012 và 75% của năm trước đó.
Trong khi đó, tỷ trọng các công ty có lợi nhuận đã giảm còn 63%, so với mức 74% của năm 2010. “Lần đầu tiên trong lịch sử của cuộc khảo sát này, có trên 50% công ty nói rằng, biên lợi nhuận của công ty ở Trung Quốc thấp hơn mức trung bình toàn cầu của các công ty của họ”, bản thông cáo nhấn mạnh.
Hơn một nửa công ty châu Âu nói rằng, họ tin các doanh nghiệp nước ngoài bị phân biệt đối xử so với các công ty bản địa. Ảnh hưởng tồi tệ nhất của sự phân biệt đó nằm ở các lĩnh vực pháp lý, dịch vụ tài chính, vận tải và giao nhận. Do những rào cản gia nhập thị trường và sự bắt ép về mặt pháp lý, các doanh nghiệp châu Âu đã mất khoảng 21,3 tỷ euro (29 tỷ USD) doanh thu trong năm ngoái.
Mặc dù Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng, nhưng các công ty đang thu dần kế hoạch kinh doanh của họ ở nơi đây, cuộc khảo sát cho biết. Có hơn 1/5 công ty hiện coi Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của họ, giảm so với tỷ lệ 1/3 của hai năm trước . Tương tự, mặc dù có 57% doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc, nhưng con số đó đã giảm mạnh so với mức 86% của năm ngoái.
“Rõ ràng là các doanh nghiệp bắt đầu đánh giá lại vai trò của Trung Quốc. Họ kỳ vọng ít hơn và đang xem xét giảm các kế hoạch đầu tư”, báo cáo khảo sát cho biết.
Các doanh nghiệp châu Âu có quan điểm trái chiều về các kế hoạch tham vọng của Trung Quốc trong việc thực hiện các cải cách kinh tế sâu rộng - được nêu ra tại Hội nghị Trung ương 3 hồi tháng 11 năm ngoái. Chỉ 45% nói rằng, họ nghĩ các cải cách sẽ là tốt cho hoạt động kinh doanh của họ, nhưng một nửa trong số này không chắc về suy nghĩ của mình.
“Các cải cách nhìn chung được nhìn nhận với quan điểm tích cực, nhưng không nhiệt tình như người ta mong đợi”, báo cáo nói.