Hôm thứ Bảy (1/1), Chính phủ Indonesia đã cấm xuất khẩu than vào tháng 1 với lý do lo ngại rằng nguồn cung không đủ tại các nhà máy điện trong nước có thể dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng.
Các chuyên gia cho biết, nguồn cung than của Trung Quốc chỉ bị ảnh hưởng hạn chế sau lệnh cấm xuất khẩu kéo dài 1 tháng của Indonesia - nguồn nhập khẩu than nhiệt lớn nhất của Trung Quốc với lý do khối lượng nhập khẩu nhỏ so với sản lượng trong nước và sản lượng than của Trung Quốc hiện đã mở rộng và ổn định.
Indonesia có chính sách Nghĩa vụ Thị trường Nội địa, theo đó các công ty khai thác than phải cung cấp 25% sản lượng hàng năm cho công ty điện nhà nước Perusahaan Listrik Negara (PLN) với mức giá tối đa 70 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với giá thị trường toàn cầu hiện tại.
Ông Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc cho biết, lệnh cấm tạm thời có khả năng đẩy giá than lên cao và gây ra những làn sóng chấn động trên thị trường toàn cầu vì Indonesia là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới được sử dụng trong sản xuất điện. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Indonesia là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới vào năm 2020.
Tuy nhiên, tác động của lệnh cấm này đối với nguồn cung than của Trung Quốc sẽ bị hạn chế và có thể kiểm soát được vì Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào sản lượng nội địa vì nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 10%.
Kể từ nửa cuối năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp tích cực để tăng cường cung cấp than, với năng lực sản xuất được mở rộng và lượng tồn kho tổng thể trở nên đủ. Do đó, những biến động về nhập khẩu than sẽ không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung than trong nước.
Một nguồn tin của Hiệp hội Tiếp thị và Vận tải Than Trung Quốc cho biết hôm 3/1 rằng, cuộc khủng hoảng cung cấp than xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái sẽ không xảy ra nữa do quyết định của Indonesia, do đó việc giá than tăng mạnh như năm 2021 là điều khó xảy ra.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu 290 triệu tấn than từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2021 và Indonesia cung cấp khoảng 61% trong số đó.
Theo Zhang Jinming, nhà phân tích than của Guosheng Securities, sự thiếu hụt do lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia sẽ làm giảm nguồn cung than nhiệt của Trung Quốc xuống 5,3%.
Theo báo cáo của Reuters, Hiệp hội khai thác than Indonesia đã kêu gọi Chính phủ thu hồi lệnh cấm, đồng thời cho biết trong một tuyên bố rằng lệnh cấm này đã được "thực hiện một cách vội vàng mà không thảo luận với các doanh nghiệp".
Bộ Năng lượng Indonesia cho biết rằng, tình hình sẽ được đánh giá vào thứ Tư (5/1), nhưng việc hy vọng lệnh cấm sẽ được thu hồi có vẻ mỏng manh sau khi Tổng thống Joko Widodo tuyên bố ủng hộ nó.
"Các nhà sản xuất than phải ưu tiên nhu cầu địa phương, đặc biệt là cung cấp cho nhà máy điện cho công ty điện nước PLN. Các công ty vi phạm có thể bị xử phạt. Họ không chỉ không thể xin giấy phép xuất khẩu mà còn có khả năng bị thu hồi giấy phép kinh doanh", Tổng thống Widodo cho biết hôm thứ Hai (3/1).