Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn lần đầu tiên sau 10 tháng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thứ Năm (15/6), ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất của các khoản vay chính sách trung hạn lần đầu tiên sau 10 tháng, khi quốc gia này tăng cường các biện pháp kích thích để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn lần đầu tiên sau 10 tháng

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi nước này hạ lãi suất chính sách ngắn hạn, một dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách đang ngày càng lo ngại về sự mong manh của nền kinh tế mặc dù các biện pháp kiểm soát Covid đã được dỡ bỏ vào tháng 12.

Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất đối với các khoản vay cơ sở cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm đối với một số tổ chức tài chính 10 điểm cơ bản xuống 2,65% từ 2,75% trước đó.

Trong đó, MLF là một kênh tài trợ được giới thiệu để cho phép ngân hàng trung ương bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng và tác động đến lãi suất đối với một số khoản vay nhất định.

Dữ liệu gần đây cho thấy sự phục hồi của Trung Quốc đang bị đình trệ khi nhu cầu trong nước và toàn cầu chững lại và lĩnh vực bất động sản bị khủng hoảng không đạt được sức hút, làm dấy lên kỳ vọng rằng các nhà chức trách cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng và kiềm chế tỷ lệ thất nghiệp.

Các nhà phân tích tại BNP Paribas cho biết: “Kỳ vọng về chính sách kích thích đã tăng vọt và thị trường muốn thấy những thay đổi trong chính sách tài khóa và tín dụng tiếp theo, đồng thời việc nới lỏng chính sách có thể xảy ra do xuất khẩu chậm lại, lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn và tình hình tài chính của chính quyền địa phương không ổn định”.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh có thể cảnh giác với việc tung ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn, trong khi các ngân hàng trung ương toàn cầu khác đang tăng lãi suất để chống lạm phát, điều này có thể gây rủi ro cho dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ đã mất giá gần 4% từ đầu năm đến nay và trượt xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.

"Trong 9 tháng tới..., chúng tôi hiện kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục chu kỳ nới lỏng tiền tệ với tổng cộng 30 điểm cơ bản cắt giảm lãi suất chính sách, 50 điểm cơ bản cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và 60-80 điểm cơ bản cắt giảm lãi suất thế chấp cho cả lãi suất mới và các khoản vay mua nhà hiện tại", các nhà kinh tế tại Barclays cho biết.

Goldman Sachs cho biết, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc dự kiến của các ngân hàng có thể bị hoãn lại sang quý III, vì trong lịch sử, ngân hàng trung ương gần như chưa bao giờ cắt giảm lãi suất chính sách và tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong cùng một tháng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục