Trung Quốc bêu tên người vi phạm giao thông bằng camera AI

Thâm Quyến (Trung Quốc) đã áp dụng hệ thống camera trí tuệ nhân tạo để phát hiện người vi phạm giao thông và hiển thị lên màn hình công cộng.
Nhiều thành phố tại Trung Quốc có mạng lưới camera rộng khắp. Ảnh: Sohu. Nhiều thành phố tại Trung Quốc có mạng lưới camera rộng khắp. Ảnh: Sohu.
Với hơn 12 triệu dân, Thâm Quyến là một trong những thành phố có mật độ dân cư đông đúc nhất tại Trung Quốc. Điều này cũng khiến cảnh sát vất vả hơn khi điều tiết giao thông, dủ ở đây có rất nhiều quy định nghiêm ngặt được áp dụng.

Tuy nhiên, cảnh sát Thâm Quyến gần đây được giúp sức bởi một công ty khởi nghiệp có tên Intellifusion. Hệ thống của doanh nghiệp này gồm máy ảnh độ nét cao tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) độc quyền để phát hiện những người vi phạm luật giao thông, cho dù họ đang lái xe hay đi bộ.

Theo Wang Jun, Giám đốc giải pháp và tiếp thị của Intellifusion, hệ thống sử dụng mạng lưới camera rộng khắp, mỗi camera có độ phân giải 7 triệu pixel để ghi lại quá trình tham gia giao thông ở các con đường, sau đó kết hợp với cơ sở dữ liệu biển số xe và khuôn mặt rồi nhận dạng chính xác bằng AI.

Nếu ai đó vi phạm, lập tức chân dung của họ hiển thị trên màn hình LED gần đó, kèm một số thông tin cá nhân như tên, tuổi, nơi ở.

Đại diện cảnh sát giao thông Thâm Quyến tiết lộ, trong vòng 10 tháng sau khi được áp dụng, hệ thống đã phát hiện tới 13.930 người vi phạm và bị bêu tên lên màn hình LED.

Jun cho biết, Intellifusion có kế hoạch hợp tác với những ông lớn công nghệ tại Trung Quốc, như Tencent và các nhà khai thác viễn thông, nhằm triển khai giải pháp của họ ở nhiều địa điểm hơn. Bên cạnh đó, nó có thể bổ sung tính năng mới, chẳng hạn người vi phạm có thể nhận tin nhắn tức thời, thông tin phạt... qua ứng dụng WeChat.

Thành lập 2014, Intellifusion nhanh chóng tạo dựng tên tuổi và trở thành công ty cung cấp giải pháp nhận dạng khuôn mặt hàng đầu.

Năm 2016, công ty được văn phòng an ninh công cộng của Longgang, Thâm Quyến chọn để triển khai dự án giám sát công dân. Khi đó, họ đã biểu diễn hệ thống có thể xác định bất kỳ ai trong đám đông với thời gian chỉ một giây.

Công nghệ nhận dạng của Intellifusion còn có mặt tại một làn xuất nhập cảnh ở thành phố Châu Hải để tăng tốc độ thông quan, cũng như từng sử dụng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu năm 2016.Ngoài phục vụ trong nước, doanh nghiệp này còn xuất khẩu công nghệ sang một số nước khác.

Trung Quốc hiện có gần 200 triệu camera giám sát trên toàn quốc, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải...

Chính quyền địa phương cũng đầu tư mạnh mẽ nhằm mở rộng mạng lưới camera giám sát để cải thiện an ninh công cộng. Một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô còn khoe rằng camera an ninh của họ nhìn thấy mọi thứ, không có điểm mù.

Bên cạnh đó, nhiều hệ thống camera tại Trung Quốc cũng được sử dụng kết hợp với các hành vi trò chuyện trực tuyến, trao đổi dữ liệu, mua sắm, thanh toán hóa đơn... để chấm điểm "uy tín xã hội" của công dân. Xếp hạng của họ phụ thuộc vào hành vi, người sai phạm nhiều sẽ bị kỳ thị, bị hạn chế các phúc lợi xã hội. Ngược lại, người chấp hành tốt sẽ được thưởng, được ưu tiên.

Theo thống kê của IDC, việc chi tiêu cho các thành phố thông minh trên toàn thế giới, như Singapore, Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul dự kiến vượt 4 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia mạnh tay nhất, chủ yếu là các thiết bị giám sát.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục