
Cam kết tăng trưởng
Mục tiêu tăng trưởng 2 con số không phải của các năm tiếp theo, mà sẽ thực hiện ngay trong năm nay. Lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cam kết trong Hội nghị Đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm cơ quan đại diện chủ sở hữu, vừa được tổ chức vào đầu tuần này.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, năm 2025, PVN được giao kế hoạch tăng trưởng doanh thu hợp nhất là 8%. Doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh để đảm bảo đạt mục tiêu này. Trong nửa đầu năm, mọi hoạt động đều bám sát kế hoạch, thậm chí lợi nhuận hợp nhất vượt khá xa, đạt xấp xỉ 29.000 tỷ đồng.
Nhưng con số này không còn phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế, khi mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm nay được Chính phủ xác định là phấn đấu đạt 8,3 - 8,5%, thay vì cao hơn 8% như trước và khu vực doanh nghiệp nhà nước là động lực tăng trưởng quan trọng, có ý nghĩa dẫn dắt, tạo tác động lan tỏa.
Bởi vậy, mặc dù kết quả 6 tháng của PVN đã là nỗ lực rất lớn, khi môi trường kinh doanh còn nhiều biến động khó lường, động lực tăng trưởng cũ đã cận biên và đặc biệt, quy mô doanh nghiệp đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua (từ 566.000 tỷ đồng vào năm 2020, lên hơn 1 triệu tỷ đồng vào năm 2024), không dễ có được tốc độ tăng trưởng cao, song ông Hùng cho biết, PVN quyết tâm nỗ lực tìm kiếm các cơ hội, giải pháp để đạt được chỉ tiêu mới là 11%.
Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng sẽ bắt tay ngay vào tìm kiếm dư địa cho mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025, thay cho mục tiêu 8% được giao hồi đầu năm.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc TKV nhắc tới 3 dự án khai thác mỏ vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp giấy phép khai thác, gồm Dự án Khai thác hầm lò phần mở rộng mỏ Hà Ráng; Dự án Khai thác hầm lò khu Tân Yên; Dự án Khai thác lộ thiên cụm mỏ Cọc Sáu - Đèo Nai với rất nhiều kỳ vọng, khi mà các mỏ cũ đều đã khai thác hết công suất.
“Đã rất lâu, TKV mới có dự án khai thác mỏ mới. Những vướng mắc, khó khăn nhiều năm trước đã được giải quyết. Ngày 19/8 tới, Tập đoàn đăng ký khởi công 2 dự án là Dự án Khai thác hầm lò phần mở rộng mỏ Hà Ráng và Dự án Đầu tư nhà ở cho công nhân”, ông Tuấn thông tin.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thậm chí còn đề xuất nâng tốc độ tăng trưởng doanh thu lên 9%, thay vì 8% như dự kiến của Bộ Tài chính. Chủ tịch VNR, ông Đặng Sỹ Mạnh thừa nhận, hiện trạng hạ tầng đường sắt còn nhiều vấn đề, áp lực tăng trưởng cao rất thách thức, nhưng tiềm năng phát triển của VNR rất lớn.
Đặc biệt, ông Mạnh nói, VNR nhận chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn không chỉ để thể hiện quyết tâm, mà còn để chuẩn bị năng lực cho việc thực hiện các dự án trọng điểm tới đây, như đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...
Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp sẽ phải rà soát, cân đối lại các kịch bản tăng trưởng đã hoàn thiện trước đó.
![]() |
Dồn sức thực thi
Sẽ không có tập đoàn, tổng công ty nào đứng ngoài nhiệm vụ đóng góp vào tăng trưởng rất cao của năm nay. Chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 của phần lớn tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh, theo hướng tăng lên, bám sát kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế.
Cụ thể, 7 doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng doanh thu hoặc sản lượng trên 10% gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC (tăng 20%), Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN (tăng 14%), PVN (tăng 11%), TKV (tăng 10%), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT (tăng 10%), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG (tăng 10%), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC (tăng 10%). Các doanh nghiệp còn lại được đề nghị mức tăng trưởng doanh thu/hoặc sản lượng 8 - 10%.
So với chỉ tiêu được phân giao cho các doanh nghiệp theo Quyết định số 1073/QĐ-BTC ngày 25/3/2025 của Bộ Tài chính, mức tăng tùy theo doanh nghiệp, nhưng cũng khá đáng kể và đầy thách thức.
Hơn thế, dư địa tăng trưởng theo cách làm truyền thống của nhiều doanh nghiệp không còn nhiều, nhất là các doanh nghiệp ngành công nghiệp, các nhà máy được thiết kế theo công suất, cố gắng cũng chỉ có thể vận hành vượt 20% công suất thiết kế. Một số ngành như viễn thông, xăng dầu, nông nghiệp... đang đối mặt với thách thức từ các tiêu chuẩn, mô hình kinh doanh mới, đòi hỏi phải đầu tư lớn. Chưa kể, nhiều dự án của doanh nghiệp nhà nước đang có những vướng mắc từ lâu, do tồn tại của lịch sử, cần có cơ chế đặc thù để xử lý...
Song, ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, các chỉ tiêu được xây dựng trên cơ sở trao đổi với từng doanh nghiệp và dựa trên bối cảnh thực tiễn.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy, đang có nhiều điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng. Theo báo cáo tình hình công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp do Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước thực hiện, các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều chỉ tiêu sản lượng chủ yếu ước đạt 50 - 60% kế hoạch năm, trong đó, một số lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng 5 - 15% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, từ ngày 1/8/2025, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được thực hiện, tháo gỡ hầu hết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hiện nay, như đầu tư bổ sung vốn điều lệ; cơ chế về sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo đề án riêng có nhiều nội dung đặc thù...
“Các nghị định hướng dẫn Luật theo tinh thần tăng cường phân cấp, tiếp tục cụ thể hóa các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính xây dựng sẽ được Chính phủ sớm thông qua, kịp có hiệu lực cùng thời điểm với Luật”, ông Chí thông tin.
Điều đáng nói, tinh thần xử lý nhanh chóng những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, cụ thể là các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, triển khai dự án đầu tư trong năm nay của các doanh nghiệp đã được xác định rất rõ tại Hội nghị. Mục tiêu cụ thể là đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...
Đây là thời điểm các tập đoàn, tổng công ty quyết tâm tập trung hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, chỉ bàn làm, không bàn lùi, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng mới mà Chính phủ đặt ra.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu không chậm trễ trong tháo gỡ các vướng mắc
“Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất cấp bách, cũng rất thách thức, với mục tiêu góp phần vào tăng trưởng 8,3 - 8,5% của nền kinh tế. Theo yêu cầu này, bình quân doanh thu và lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty năm nay phải đạt 10%”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh trong Hội nghị Đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Để thực hiện, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp phải chủ động trong đánh giá thị trường, có giải pháp mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, chủ động ứng phó với rào cản thương mại mới, xu hướng, tình hình kinh doanh mới cũng như kịp thời kiến nghị các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Bộ trưởng cam kết, không chậm trễ trong tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, trước mắt là các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong năm nay.
“Sẽ phải quyết nhanh, vì nếu nhùng nhằng, ảnh hưởng rất nhiều thứ, phải có quyết tâm, có giải pháp quyết liệt cụ thể, xắn tay vào làm”, Bộ trưởng khẳng định và yêu cầu các cục, vụ, viện tập trung rà soát các kiến nghị của doanh nghiệp, có phương án xử lý, tham mưu nhanh nhất.