Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa có đợt nâng lãi suất lần thứ 7 chỉ trong vòng hơn 2 năm và dự kiến sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Theo ông, chính sách này tác động như thế nào đối với các quốc gia mới nổi?
Ở vị thế của một đồng tiền quốc tế, xu hướng lãi suất của đồng USD sẽ tác động đến tổng thể nhiều mặt của một nền kinh tế khác từ sự dịch chuyển của các dòng ngoại tệ như đầu tư trực tiếp - gián tiếp, vay trả nợ nước ngoài, kiều hối…, các biến số của thị trường tài chính như lãi suất, tỷ giá, đến các biến số vĩ mô hơn là tăng trưởng GDP, lạm phát.
Nếu như quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ trong suốt giai đoạn 2009-2014 mang đến nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là nhóm quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam, thì quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ tất yếu sẽ tạo ra những ảnh hưởng theo chiều hướng ngược lại, tức sẽ khó khăn, thử thách lớn hơn trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Đó là áp lực về việc dòng vốn ngoại đảo chiều, đầu tư nước ngoài, vay nợ, hay kiều hối suy giảm, áp lực về nợ nước ngoài phình to, áp lực đồng nội tệ mất giá, hay áp lực lãi suất, lạm phát tăng… Chúng ta có thể thấy rõ điều này thông qua những diễn biến thị trường trong một vài năm gần đây mà được giới chuyên gia gắn với cụm từ “taper tantrum”, hay "cơn giận dữ của thị trường" khi kỳ vọng Fed đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong 2 tháng gần đây, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã lập đỉnh 5 năm vào tháng 5 vừa qua (lãi suất kỳ hạn 10 năm là 3,1%/năm), USD tăng mạnh trở lại và chỉ số DXY đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2018. Và hệ quả tác động đối với các quốc gia mới nổi là khó tránh khỏi. Đồng nội tệ nhiều quốc gia đồng loạt giảm giá so với USD như Rupiad Ấn Độ giảm 4,6%, Baht Thái Lan giảm 5,4% hay Ringgit Malaysia giảm 4,0%… Đồng thời, ngân hàng trung ương một số quốc gia đã đồng loạt tiến hành nâng lãi suất cơ bản như Ấn Độ, Indonesia…
Với Việt Nam, chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ sẽ tác động ra sao?
Việt Nam về cơ bản cũng sẽ chịu những tác động theo chiều hướng tương tự. Kinh tế Việt Nam có phần nằm ngoài "tâm bão" thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ trong các năm 2016 và 2017, nhưng đến năm 2018 bắt đầu có sự khác biệt.
Bên cạnh sự tác động từ các yếu tố nội tại trong nước, dường như việc Fed tăng lãi suất 2 lần từ đầu năm 2018 đến nay cũng đã góp phần tạo ra sức ép nhất định, làm cho tỷ giá USD/VND tăng nhẹ 0,5%, lãi suất trái phiếu chính phủ tăng thêm 50 điểm cơ bản, hay các chỉ số chứng khoán giảm điểm trở lại.
Những dịch chuyển tập trung trước hết ở dòng vốn nước ngoài và thị trường tài chính vốn có độ nhạy cảm cao hơn với diễn biến trên thị trường quốc tế. Các biến số khác như cán cân thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài hay kiều hối thường có độ trễ lớn hơn và vẫn duy trì trạng thái ổn định trong các tháng đầu năm 2018 (kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khoảng 16%, cán cân thương mại thặng dư 3 tỷ USD, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng khoảng 10%, kiều hối tăng trưởng 8-10%). Có chăng, thời gian tăng lãi suất đã tích tụ đủ dài, mức độ tăng lãi suất của Fed đã tích tụ đủ lớn và kéo theo sức nóng lan tỏa đến kinh tế Việt Nam.
Mặc dù vậy, mức độ tác động đối với mỗi quốc gia là khác nhau, phụ thuộc vào triển vọng kinh tế vĩ mô, cũng như đặc điểm thị trường tài chính của từng nước. Đối với Việt Nam, chúng ta vẫn đang có một triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định, lạc quan theo đánh giá độc lập của nhiều tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế như Fitch hay Moody’s. Chính phủ cũng đang kiên định với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến Việt Nam chưa tự do hoá cán cân vốn và đặc thù của thị trường tài chính Việt Nam khi tỷ lệ dòng vốn “nóng” của khối nhà đầu tư nước ngoài thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Tỷ trọng nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài (không tính đến phần nắm giữ đầu tư chiến lược) hiện ước tính đạt dưới 5% quy mô thị trường chứng khoán, trên thị trường trái phiếu chính phủ cũng xấp xỉ ở mức này, thấp hơn so với các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia phổ biến ở mức 10-20%.
Do vậy, mức độ cũng như độ trễ tác động của quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ đối với Việt Nam có phần nhẹ nhàng hơn so với nhiều quốc gia mới nổi khác.
Sau 2 lần tăng vừa qua, Fed cũng đã phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2018 và 3 lần trong năm 2019. Như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thử thách nào, thưa ông?
Trong giai đoạn tới, Fed được dự báo là sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, cộng hưởng với những yếu tố bất ổn trong môi trường kinh tế toàn cầu đang gia tăng như chiến tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị… sẽ tạo ra những khó khăn lớn hơn cho kinh tế Việt Nam, cũng như thử thách thực sự đối với quá trình điều hành của Chính phủ hay hoạt động của các ngân hàng thương mại, đó là việc các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lạm phát, lãi suất, nợ công… đồng loạt tăng.
Do đó, để có thể đạt được các mục tiêu vĩ mô đặt ra như nâng cao chất lượng tăng trưởng, khuyến khích xuất khẩu, ổn định giá trị đồng tiền, giảm tình trạng đô-la hóa nền kinh tế…, Chính phủ cùng các cơ quan, bộ, ngành sẽ cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, gia tăng khả năng chịu đựng, chống chọi của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài.
Đồng thời, liên quan trực tiếp đến các vấn đề về lạm phát, tỷ giá hay lãi suất, về việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, cũng cần tiếp tục phát huy tính linh hoạt, nhạy bén của giai đoạn vừa qua, phối hợp chặt chẽ cùng chính sách tài khóa để Việt Nam có thể duy trì được các thành quả trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối và tạo được niềm tin đối với thị trường.