Trong nguy có cơ

(ĐTCK) Thời gian qua, hầu hết các TTCK trên thế giới đều tuột dốc. Về mặt phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản, có thể có nhiều tín hiệu để lý giải điều đó. Tuy nhiên, nhìn vấn đề dưới góc độ tâm lý, về niềm tin và sự lo sợ rủi ro có thể là một góc nhìn thú vị về bức tranh hiện tại của thị trường.
Băn khoăn lớn của nhà đầu tư hiện nay là thuế chứng khoán có được giãn hay vẫn đúng hẹn? Băn khoăn lớn của nhà đầu tư hiện nay là thuế chứng khoán có được giãn hay vẫn đúng hẹn?

Từ sự mù mờ và nỗi sợ rủi ro

Trước đây, khi nền kinh tế phát triển tốt, sự mù mờ về khía cạnh vĩ mô và phát triển, cũng như thông điệp chính sách đến thị trường, dù gì cũng được nhà đầu tư chấp nhận và dễ dàng bỏ qua. Nhà đầu tư chấp nhận hiểu mù mờ rằng, kinh tế sẽ còn tăng trưởng tốt, dù không biết nó "tốt" đến đâu, nhưng "cứ tốt là được". Sự lạc quan này khiến TTCK đi lên, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, mua bán tài sản kiếm tiền qua ngày (bao gồm cả việc giao dịch các chứng khoán được phát hành dựa trên các khoản nợ dưới chuẩn).

Nhưng khi thị trường đột ngột chuyển biến xấu và nhiều vụ sụp đổ "không tưởng" diễn ra với các tập đoàn khổng lồ tưởng là "quá lớn để sụp đổ", người ta bắt đầu lo ngại và cảm thấy sự mù mờ về tương lai trở nên đáng sợ. Vàng, dầu, cổ phiếu, trái phiếu, công cụ tài chính đều biến động khác với những kiến thức thông thường mà người ta biết về nó. Nhiều chuyên gia trên các thị trường phái sinh mô tả những diễn biến gần đây trong diễn biến của độ bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu là quá bất thường và do đó, nhiều mô hình "cao cấp" của họ chịu thua.

Những điều này đã được các tác giả có sách bán chạy như Nicolas Nassim Taleb hay một số nhà nghiên cứu tài chính, kinh tế (như Nouriel Roubini) bàn tới cách đây vài năm, nhưng khi đó, điều này không quan trọng. Người ta biết, những sự mù mờ này tồn tại, nhưng miễn là nó ở dạng tốt thì cũng không sao. Tốt hơn dự kiến thì có hại ai đâu. Nhưng đến khi nó xấu hơn dự kiến thì mọi người "bỏ của chạy lấy người", kiếm chỗ nào an toàn để tiền đã, bất chấp tỷ suất lợi nhuận thấp cỡ nào cũng được (nước ngoài gọi hoa mỹ là "flight to quality"). Họ cảm thấy giờ đây ai nói cũng khó tin. Lo sợ lớn quá đến nỗi người ta bán bất cứ cái gì thấy là "có rủi ro" và cầm tiền mặt. Tình hình này chính xác là những gì diễn ra ở Mỹ cách đây không lâu (và vẫn đang duy trì ở một mức độ nào đó). Nhà đầu tư trở nên lo sợ rủi ro hơn bao giờ hết, vì họ cảm thấy sự mù mờ đang chống lại họ: Khi nào hết khủng hoảng? Năm sau sẽ lạm phát hay là giảm phát? Tình hình của thị trường bất động sản và ngân hàng sẽ ra sao? Doanh nghiệp bị ảnh hưởng thế nào trong nguy cơ suy thoái toàn cầu? Tiền lương ngày mai của tôi sẽ ra sao? Nên gửi tiết kiệm vào lúc này hay mua vàng, mua cổ phiếu…? Ở TTCK Việt Nam, một số câu hỏi khác là: Tính thanh khoản của thị trường rồi sẽ ra sao? Mua cổ phiếu rồi có bán được không nếu giá giảm? Thuế chứng khoán có được giãn hay vẫn đúng hẹn…?

Chưa hết, người ta còn cảm thấy mù mờ trong cả chính những gì người ta tin là hành động đúng trong quá khứ. Người Mỹ hiểu rằng, hệ thống của họ không nhất định là tốt nhất nữa, nhưng các nước châu Á cũng không thể vội mừng vì nghĩ rằng, mình không bị ảnh hưởng. Suy thoái toàn cầu, nếu thật sự nghiêm trọng như một vài dự đoán, có thể giáng một đòn mạnh vào sức mạnh đồng tiền của các nước châu Á và nền kinh tế các nước này. Và người ta cũng hiểu, những gì cơ bản họ góp nhặt được từ kinh nghiệm thị trường hay từ những quyển sách "học chứng khoán cấp tốc" đã bị sai lệch (hay nói đúng ra, những kiến thức đơn giản là không đủ nữa, mà những kiến thức nâng cao hơn thì… vẫn đang trong tầm tranh luận của các chuyên gia). Một sự mù mờ đang hiện diện ở những hiểu biết, kinh nghiệm trong quá khứ tới triển vọng tương lai. Và do sự mù mờ lần này là tiêu cực, chứ không tích cực như trước đây, nên nhiều người chạy sang để tiền ở những nơi an toàn nhất, thậm chí không cần lãi suất, ví dụ như giữ tiền mặt.

Tới suy thoái niềm tin

Niềm tin vào thị trường và vào nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Người Mỹ, người châu Âu, hay người Việt Nam đều cảm thấy hụt hẫng khi nhiều tổ chức mà họ cho là hiệu quả, có uy tín lần lượt đổ vỡ. Một số giáo sư nước ngoài trong những cuộc hội thảo gần đây đã quay lại các mô hình kinh tế - tài chính và lật lại những giả định, chỉ ra rằng, người ta nghĩ các tổ chức kinh tế - tài chính lớn là những người hiệu quả, thông minh và hợp lý hơn các đối tượng khác trên thị trường, nhưng cuộc khủng hoảng lần này có thể đã làm lung lay niềm tin đó. Điển hình là, người ta đang nhìn hệ thống tài chính và kinh doanh của Mỹ với một con mắt khác; người ta nhìn sản phẩm của Trung Quốc với con mắt dè dặt hơn sau các vụ bê bối về an toàn vệ sinh thực phẩm gần đây.

Một vài nhà nghiên cứu tài chính nói đùa rằng, khi mà nhiều đồng nghiệp của họ đang quay sang nghiên cứu các vấn đề trước đây họ ít quan tâm như quản trị công ty, quản trị thị trường vốn hay lật ngược những giả định cơ bản của các mô hình

định giá lý thuyết hay thực nghiệm nổi tiếng như CAPM, Fama French thì đó là một bằng chứng cho thấy sự suy giảm niềm tin vào tính hiệu quả của các định chế lớn, của thị trường, của cả hệ thống và cả những hiểu biết mà người ta cho là cơ bản nhất.

Phải chăng là đang phản ứng thái quá?

Đây là câu hỏi của bản thân người viết khi nhìn tình hình hiện nay. Người ta có vẻ đang phản ứng thái quá một cách tiêu cực sau khi đã phản ứng thái quá một cách tích cực cho một chu kỳ phát triển nhanh và tốt đẹp của thị trường tài chính toàn cầu từ sau những vụ "tự do hóa thị trường tài chính" và gỡ bỏ nhiều giới hạn trên thị trường phương Tây. Những vấn đề lớn phát sinh, gây tổn hại đến nhiều người, làm lung lay niềm tin của mọi người, khiến mọi người nghĩ đến những chuyện tệ hại, nghi ngờ cả những niềm tin cơ bản nhất hay những hiểu biết mà ai cũng thừa nhận. Trên toàn cầu, nhiều người đã và đang chấp nhận giữ tiền mặt, sẵn sàng mua bảo hiểm bằng các sản phẩm hoán đổi rủi ro phá sản với mức phí rất cao. Còn ở Việt Nam, trên một số diễn đàn, có những ý kiến đề cập đến chuyện không ít công ty lớn sẽ phá sản.

Khi mà nhiều người đang lo sợ rủi ro, thì phải chăng, sẽ có cơ hội cho người còn cầm tiền mặt và muốn thử triết lý đi ngược lại số đông? Vẫn là suy nghĩ cũ, thành công chỉ thuộc về một số ít người. Người Mỹ đã rất muốn nắm giữ tiền mặt hơn cổ phiếu cách đây vài tuần, nên đã bán tháo cổ phiếu. Vài tuần sau, chỉ số chứng khoán Mỹ có một tuần phục hồi ngoạn mục sau khi người ta cảm thấy mọi chuyện không quá tệ với một số tổ chức tài chính như họ tưởng. Vậy thị trường Việt Nam liệu có thể lợi dụng sự phục hồi của thị trường quốc tế? Vấn đề là nhà đầu tư Việt Nam cảm thấy không an lòng và lo sợ rủi ro đến đâu, hay nói cách khác, nhà đầu tư ở Việt Nam (bao gồm cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước) đang "tưởng tượng" tình hình xấu đến đâu (vì nhiều vấn đề vẫn còn mù mờ, thậm chí có đánh thuế đúng hẹn không cũng còn không biết). Chỉ cần một tín hiệu của sự ổn định trở lại hơn mức kỳ vọng (chẳng hạn, nói dứt khoát khi nào đánh thuế hay tình hình bất động sản và ngân hàng tệ đến đâu), thì mọi chuyện có thể sẽ ổn định trở lại. Hay lâu lâu thấy thị trường nước ngoài bớt sóng gió, thì nhiều khi nhà đầu tư trong nước tự nhiên cũng bớt sợ rủi ro. Biết đâu, trong nguy có cơ

Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, ĐH Manchester
Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, ĐH Manchester

Tin cùng chuyên mục