Dù xác định tinh thần đi khai phá “vùng đất mới” sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng quả thực, những chướng ngại phải vượt qua trên chặng đường dài để xây dựng và vận hành một “định chế bậc cao” của nền kinh tế thị trường, theo cách nói của các nhà kinh tế học, vượt xa so với tưởng tượng ban đầu. Đến hôm nay, trong lớp cán bộ cốt cán của UBCK, không ít người đã nghỉ hưu, nhưng chúng tôi đều có chung niềm tự hào về những năm tháng khó khăn, vất vả nhưng đầy say mê, nhiệt huyết ấy.
Những năm 1997-1998, giai đoạn chuẩn bị xây dựng TTCK Việt Nam, lãnh đạo và nhân viên UBCK đều phải bắt đầu bằng việc cầm sách, cầm bút để học từ những kiến thức sơ đẳng nhất về TTCK, chẳng hạn như thế nào là stock, thế nào là bond?
Chúng tôi phân ra từng nhóm, ngồi với các chuyên gia của Sở GDCK Hàn Quốc, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), SET... hàng ngày để hình dung dần về cách thức tổ chức thị trường, rồi trao đổi, tổ chức hội thảo, tham quan, khảo sát các thị trường bạn, tiến tới xây dựng khung pháp lý quản lý thị trường, mô hình thị trường, mô hình hệ thống các tổ chức trung gian, các nghiệp vụ trên thị trường… tạo nền móng ban đầu cho TTCK.
Việc ra đời Trung tâm GDCK TP. HCM, trung tâm đầu tiên vào năm 2000 sau 3 năm hoạt động của UBCK là kết quả của một quá trình sáng tạo kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. 5 năm sau, năm 2005, việc khai trương hoạt động của Trung tâm GDCK Hà Nội (HaSTC), trung tâm thứ hai, diễn ra khá sôi động bằng những hoạt động đấu giá cổ phần hóa, thu hút sự quan tâm của công chúng tại sàn và qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Các bạn trẻ hôm nay khi xem lại những thước phim, hình ảnh tư liệu về khung cảnh đấu giá tại HaSTC, với những bộ ghi lê đồng phục màu đỏ của các cán bộ trẻ măng, đi đi lại lại với thùng phiếu giơ cao, trong không khí sôi động của NĐT đứng vòng trong vòng ngoài, chắc không thể hình dung được, trước đó, UBCK từng cân nhắc việc đóng cửa HaSTC! Sau sự kiện khai trương ấy, tôi đã nhận thức được về một thế hệ mới và cảm nhận trong tim nguồn năng lượng của đội ngũ lãnh đạo và lớp cán bộ HaSTC, luôn quyết tâm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để tiến lên phía trước, khẳng định mình.
Năm 2007, tôi được điều động về công tác tại HaSTC. Ngày còn công tác tại Vụ Tổ chức cán bộ của UBCK, tôi từng được giao nhiệm vụ chuẩn bị phương án phân bổ toàn thể cán bộ của HaSTC vào các đơn vị của UBCK trong trường hợp HaSTC không hoạt động nữa. Vì vậy, khi chuyển công tác đến HaSTC, tôi đã chuẩn bị rất kỹ tâm lý, lường trước những khó khăn mà bản thân tôi phải đối mặt. Công việc đầu tiên tôi được giao phó tại HaSTC là phụ trách Ban Đấu giá. Tôi đã rất hiểu sự lo lắng trong ánh mắt của Phó Chủ tịch UBCK Vũ Thị Kim Liên, của Ban giám đốc HaSTC khi giao cho tôi nhiệm vụ này.
Biết là khó khăn, nhưng cùng các cán bộ của Ban, chúng tôi cố gắng giữ gìn danh hiệu vẻ vang mà Ban Đấu giá đã có từ ngày đầu hoạt động của HaSTC. Vất vả là vậy, nhưng chúng tôi lại cảm thấy rất vui mỗi lần ra “sàn đấu”. Cho đến hôm nay, tôi vẫn luôn yêu quý và trân trọng tập thể Ban Đấu giá, vì tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, cầu tiến của họ.
Ngày 8/3/2005, HNX khai trương hoạt động bằng phiên đấu giá cổ phần Nhà máy Thiết bị Bưu điện
Tuy nhiên, mục tiêu của HaSTC không dừng lại với hoạt động của các phiên đấu giá cổ phần hóa hay tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp cho cổ phiếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những ngày đầu.
Đã đến lúc HaSTC mơ đến “một trung tâm với ba thị trường” trên nền hệ thống công nghệ hiện đại. HaSTC đưa ra một mục tiêu rất rõ ràng: bên cạnh thị trường cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết, sẽ tổ chức thị trường UPCoM cho các doanh nghiệp đại chúng và hệ thống giao dịch trái phiếu chính phủ chuyên biệt, lấp dần những “khoảng trống” của thị trường hiện có, xây dựng nên một cấu trúc toàn diện hơn của TTCK.
Cũng đã có quan điểm cho rằng, thay vì việc suốt ngày phải vất vả nghiên cứu, tìm tòi để xây dựng thị trường mới, HaSTC chỉ nên “hài lòng” với những gì mình có, tìm thêm các giải pháp nâng cấp để tăng nguồn thu cho Trung tâm là được.
Nhưng HaSTC muốn tiến lên phía trước bằng tư duy của mình, xây dựng một TTCK đúng nghĩa, không thua kém với các nước phát triển khác. Và như vậy, đến năm 2009, ước mơ về 3 thị trường của HaSTC đã trở thành hiện thực - một kết quả mà lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK đã đánh giá rất cao, nhất là nhìn từ khía cạnh đóng góp cho nền kinh tế nước nhà.
HNX ngày càng phát triển về quy mô cũng như chất lượng hàng hóa đưa vào giao dịch
Để HNX có được một cấu trúc thị trường hôm nay là nhờ công sức lớn của những con người đã “ngồi riêng ra một góc” để nghiên cứu về UPCoM, về thị trường trái phiếu chính phủ, về hệ thống… trong vòng 2-3 năm trời, quyết tâm tìm cho ra con đường để thực hiện được mong muốn của HaSTC đã đặt ra.
Từ những ngày đầu hoạt động, mong muốn HaSTC sẽ trở thành một Sở GDCK hiện đại đã cháy bỏng trong lòng tất cả các cán bộ ở đây. Trong khoảng thời gian lập và trình đề án chuyển đổi từ Trung tâm GDCK thành Sở GDCK Hà Nội kéo dài hơn 1 năm, đã có lúc chúng tôi tưởng phải buông xuôi, bỏ cuộc khi chưa tìm ra đủ căn cứ cho việc chuyển đổi.
Cơ quan quản lý đã thảo luận cùng Ban giám đốc để bàn phương án giữ nguyên như cũ, đảm bảo hoạt động của Trung tâm theo Luật Chứng khoán. Một cuộc họp chớp nhoáng sau đó giữa Ban giám đốc với một câu hỏi: Tiếp tục theo đuổi kế hoạch chuyển đổi hay thôi?
Sau khi thống nhất ý chí tiếp tục theo đuổi kế hoạch xin chuyển đổi, lại phải có một cuộc họp khác bàn về lộ trình những việc phải làm, những lý luận phải thuyết phục cơ quan quản lý, Chính phủ. Khi nhận được trong tay Quyết định 01/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập Sở GDCK Hà Nội (HNX) trên cơ sở chuyển đổi HaSTC, rất nhiều người đã không cầm được nước mắt sau vô số những khó khăn, tìm tòi, khẳng định…
Với sức mạnh đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, chắc chắn, HNX sẽ còn vươn tới những chân trời xa hơn. Điều đó đã được chứng minh sau 10 năm hoạt động của HNX, qua đó có đóng góp quan trọng vào sự phát triển ấn tượng của TTCK Việt Nam sau 15 năm phát triển.