Trong kịch bản lạc quan, VN-Index có thể lên 1.646 - 1.688 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của đại diện Công ty Chứng khoán MBS tại Tọa đàm “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán 2022” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng nay 15/3.
Trong kịch bản lạc quan, VN-Index có thể lên 1.646 - 1.688 điểm

Đánh giá về triển vọng thị trường năm 2022, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, năm 2022 được đánh giá tiếp tục là một năm khó khăn, phức tạp của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, do vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, tăng giảm mạnh đan xen, xuất phát từ nhiều yếu tố, cả từ trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo bà Bình, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn dư địa cho tăng trưởng do nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Mặt bằng lãi suất có khả năng tiếp tục được giữ ổn định ở mức thấp và do vậy, dòng tiền nhiều khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào thị trường.

Bà Bình cũng cho biết, Ủy ban Chứng khoán cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp trung và dài hạn như: hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát và giao dịch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn và giảm thiểu rủi ro cho thị trường; triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch.

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều dư địa tăng trưởng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022.

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều dư địa tăng trưởng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022.

Riêng với câu chuyện về trái phiếu doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh đánh giá, bước sang năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có bước phát triển nhất định về cơ chế giám sát, mục đích sử dụng vốn nhưng mới chỉ hạn chế trong khu vực các tổ chức tín dụng, ngoài khu vực này còn nhiều việc phải làm.

Tuy nhiên, những trở ngại từ khâu phát hành và đầu tư vẫn còn tồn tại chưa được khắc phục và chưa có tiến bộ đột phá. Vì vậy, có thể nói rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 vẫn sẽ tiếp tục trong tình trạng phát triển khó khăn cả về chất lượng trái phiếu doanh nghiệp, độ tín nhiệm của nhà phát hành và độ tin cậy của nhà đầu tư, năng lực giám sát và quản lý thị trường của cơ quan quản lý. Tốc độ tăng trưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 vì vậy vẫn ở mức thấp, mặc dù nhu cầu về vốn trung dài hạn của nền kinh tế là rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn về tín dụng trung dài hạn và hệ thống pháp lý được hoàn thiện hơn, có thể thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những bước phát triển mới vào năm 2023 trở đi.

Đưa ra cái nhìn khá lạc quan, đại diện Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 với quan điểm rất tích cực đối với triển vọng năm 2022 nhờ vào nền tảng cơ bản vững chắc của thị trường (tăng trưởng lợi nhuận); điều kiện thanh khoản dồi dào (lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp); tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trong nước (số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng cao kỷ lục).

Theo Yuanta Việt Nam, tăng trưởng lợi nhuận chính là động lực cơ bản trọng yếu. Theo Bloomberg, các bên dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index là 25% so với năm trước và dự báo của Yuanta Việt Nam là 21%. Như vậy, các doanh nghiệp niêm yết có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022 với mức tăng trưởng nền thấp trong năm 2021.

“Tất nhiên, kết quả thực tế sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác không thể dự báo trước, chẳng hạn như việc ghi nhận doanh thu của các công ty phát triển bất động sản và quyết định trích lập dự phòng của các ngân hàng. Mặc dù để dự báo mức tăng trưởng so với cùng kỳ một cách chính xác là rất khó khăn, nhưng bức tranh tổng thể đối với tăng trưởng lợi nhuận là rất tích cực, tương ứng với kỳ vọng theo mô hình top-down với tăng trưởng kinh tế là khá vững chắc trong nhiều năm tới”, đại diện Yuanta Việt Nam nhấn mạnh.

Dự báo về những nhóm ngành đường hưởng lợi từ bối cảnh chung, đại diện Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục trong trạng thái tích cực nhưng phân hóa với từng câu chuyện riêng và những cổ phiếu đã và đang được hưởng lợi từ giá hàng hóa (phân bón, cao su, dầu khí, than…), khởi động từ câu chuyện đầu tư công (thép, xây dựng hạ tầng, bất động sản…), đến phục hồi kinh tế hướng xuất khẩu (thủy sản, dệt may, logistic…), hay tài chính (chứng khoán, bảo hiểm…) vẫn sẽ là nhóm hoạt động tốt trong 6 tháng đầu năm.

Theo đại diện MBS, nhà đầu tư có lẽ sẽ quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện cụ thể của từng doanh nghiệp, và thông tin từ kỳ đại hội cổ đông năm nay. Tuy nhiên, biến số lạm phát sẽ là tâm điểm được chú ý tới để lựa chọn nhóm ngành phù hợp nhất là khi nhiều biến số vĩ mô đang thay đổi rõ ràng trước các tác động từ bên ngoài.

Theo mô hình dự báo của MBS, trong kịch bản lạc quan với thanh khoản bình quân toàn thị trường đang đạt mức từ 30.000 - 31.800 tỷ đồng, tăng 20,6% so với mức bình quân của năm ngoái thì chỉ số VN-Index có thể đạt từ 1.646 - 1.688 điểm.

Trong kịch bản cơ bản, với thanh khoản toàn thị trường chỉ dao động trong vùng 27.400 - 29.900 tỷ đồng, chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.536 điểm đến 1.630 điểm.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục