Trong 5 năm tới, sẽ có thêm 26 doanh nghiệp bảo hiểm

(ĐTCK) Bản báo cáo Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 của ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo Minh (Bảo Minh), Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa đưa ra dự đoán, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có thêm hơn 26 doanh nghiệp bảo hiểm mới cùng 14 văn phòng đại diện của công ty bảo hiểm nước ngoài.
Bancassuarance có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ hiệu quả trong phân phối sản phẩm bảo hiểm Bancassuarance có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ hiệu quả trong phân phối sản phẩm bảo hiểm

Những gương mặt mới

26 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) mới theo dự báo bao gồm 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 9 công ty bảo hiểm nhân thọ, 2 công ty tái bảo hiểm và 5 công ty môi giới bảo hiểm.

Sự xuất hiện của 26 DNBH kể trên được đặt trong điều kiện tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ giai đoạn 2016 - 2020 ở mức từ 10% - 15% và mục tiêu tổng doanh thu toàn ngành bảo hiểm giai đoạn này được kỳ vọng chiếm 3% - 4% GDP.

"Theo các chuyên gia, việc cạnh tranh giữa các tân binh và các doanh nghiệp bảo hiểm cũ sẽ không thể chỉ dựa vào mối quan hệ, tiền hoa hồng, giá bán bảo hiểm mà còn phải tập trung vào chất lượng dịch vụ và đổi mới sản phẩm."

Các chuyên gia trong ngành đồng quan điểm cho rằng, sự xuất hiện của các “tân binh” sẽ mang tới những tác động hai chiều. Về mặt tích cực, thị trường bảo hiểm đầy tiềm năng tại Việt Nam trở nên thu hút hơn khi các công ty bảo hiểm nước ngoài muốn tìm kiếm đối tác địa phương, cũng như việc các ngân hàng muốn hợp tác với các DNBH để phát triển mô hình bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassuarance). Sự đa dạng, mức độ cạnh tranh trên thị trường được nâng cao sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, việc nhiều DNBH mới dự kiến gia nhập thị trường bảo hiểm từ nay đến năm 2020 đủ khiến áp lực cạnh tranh tăng cao, ảnh hưởng đến giá bảo hiểm và lợi nhuận của các công ty.

Theo đó, sự xuất hiện của các “tân binh”, cộng với sự cạnh tranh chưa từng có dấu hiệu thuyên giảm từ sâu bên trong khối các DNBH cũ (61 doanh nghiệp) sẽ gây xáo trộn thị phần. Nguy cơ mất thị phần, tăng trưởng không theo kỳ vọng không chỉ xảy ra với các DN nhỏ, hạn chế về tiềm lực mà còn có thể đến với cả những DNBH lớn.

Sự nhập cuộc của các DNBH nước ngoài mới, với sự hỗ trợ đắc lực về nguồn tài chính ban đầu từ công ty mẹ ở nước ngoài, cộng với thế mạnh về công nghệ, cũng sẽ khiến các DNBH cũ, nhất là DN nội thêm lúng túng.

Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia, việc cạnh tranh sẽ không thể chỉ dựa vào mối quan hệ, tiền hoa hồng, giá bán bảo hiểm mà còn phải tập trung vào chất lượng dịch vụ và đổi mới sản phẩm. 

Thị trường bảo hiểm 5 năm tới

Ngoài dự đoán về số DNBH lập mới, Chủ tịch HĐQT Bảo Minh cũng đưa ra những nhận định về thị trường bảo hiểm trong vòng 5 năm tới.

Theo đó, trong giai đoạn này, các DNBH sẽ tập trung đẩy mạnh khả năng tài chính, quản lý, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống (bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ…); thị trường cũng sẽ phát triển hệ thống công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng kênh phân phối qua hình thức bán bảo hiểm qua ngân hàng, thương mại điện tử, telemarketing để giảm chi phí hoạt động và tăng lợi nhuận.

Tuy hiện tại, mô hình bancassuarance chỉ góp một phần khiêm tốn trong tổng doanh số của toàn thị trường bảo hiểm (khoảng 2%), nhưng các chuyên gia trong ngành tin rằng, đây là kênh có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ vào hiệu quả trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Không tính các DNBH có vốn của ngân hàng, các DNBH phi nhân thọ đang tăng tốc đẩy mạnh phát triển kênh phân phối mới này như Bảo hiểm Bảo Việt (hợp tác với HSBC, Techcombank), PVI (Ocean Bank, Techcombank) hay PJICO (Vietcombank). Với khối bảo hiểm nhân thọ, những cái tên như Prudential, Manulife, Bảo Việt Nhân thọ… cũng đều có kế hoạch phát triển mạnh qua kênh này.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục