Giữa tháng 3-2018, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) tuyên bố công nghệ "thử máu không dùng kim" của Công ty công nghệ sinh học Theranos chỉ là trò lừa đảo.
Sau đó, đến giữa tháng 4 này, Theranos thông báo sa thải hầu hết các nhân viên còn lại, chỉ giữ lại hơn 20 nhân viên.
Từ tháng 10-2016, công ty đã đóng cửa toàn bộ các phòng xét nghiệm và sa thải 40% tổng số nhân viên (340 người). Đến đầu năm 2017, thêm 155 nhân viên bị cho nghỉ việc.
Chuyện cổ tích giữa đời thường
Tổng giám đốc - Chủ tịch quản trị Elizabeth Holmes (năm nay 34 tuổi) một thời nổi danh như cồn trên thế giới. Câu chuyện khởi nghiệp của cô cứ như chuyện cổ tích giữa đời thường.
Công ty Theranos do cô sáng lập năm mới 19 tuổi dần dà vươn lên đứng đầu tại Thung lũng Silicon khiến các công ty khởi nghiệp khác phải thèm thuồng.
Cô được ví như "Steve Jobs trẻ tuổi" (người đồng sáng lập hãng Apple lừng danh toàn cầu), được đánh giá là nữ tỉ phú tự lập thân trẻ nhất thế giới, được tôn vinh là một người phụ nữ hiện đại, trẻ đẹp, năng động và là một thiên tài đã đưa ra sáng kiến kinh doanh cách mạng.
Cô khoe khoang đã sáng chế một công nghệ thử máu mới gọi là "thử máu không dùng kim" (công nghệ Edison) với 5 ưu điểm: Lấy máu không dùng ống tiêm, chỉ vài giọt máu cũng đủ để xét nghiệm 200 phân tích, tự động hóa khâu xét nghiệm để giảm sai sót do con người, xét nghiệm nhanh nhất và rẻ nhất.
Năm 2015 , tạp chí Times đã đưa cô vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất với tài sản năm 2014 ước tính 3,6 tỉ USD. Vốn hóa của Công ty Theranos trên thị trường chứng khoán lên đến 9 tỉ USD.
Công ty Theranos đã kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn với điều kiện không tiết lộ công nghệ ‘thử máu không dùng kim" và Elizabeth Holmes là người quyết định cuối cùng trong công ty.
Báo Wall Street Journal "bóc mẽ"
Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Tháng 8-2015, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) bắt đầu điều tra Công ty Theranos.
Hai tháng sau, báo Wall Street Journal tung loạt bài điều tra nghi ngờ kết quả xét nghiệm bằng công nghệ Edison.
Vài tháng sau, Bộ Y tế Mỹ đưa ra cảnh báo hoài nghi. Thật ra trước đó, nhà nghiên cứu Ian Gibbons làm việc cho Công ty Theranos đã cảnh báo công nghệ "thử máu không dùng kim" vẫn còn nhiều sai sót nên không thể thực hiện đại trà.
Các nhà khoa học đã giám định kết quả xét nghiệm máu của Theranos và nhận thấy kết quả khác với kết quả xét nghiệm theo phương pháp thông thường. Rốt cuộc đó chỉ là kết quả xét nghiệm sai hoặc là kết quả ngụy tạo.
SEC đã mở cuộc điều tra về bà chủ Elizabeth Holmes. Tháng 7-2016, SEC quyết định cấm cô hành nghề trong lĩnh vực xét nghiệm y khoa trong hai năm.
Doanh số chỉ đạt… 100.000 USD
Kết quả điều tra của SEC công bố vào giữa tháng 3-2018 kết luận: Công ty Theranos, Tổng giám đốc - Chủ tịch quản trị Elizabeth Holmes và cựu Chủ tịch Ramesh Balwani đã kêu gọi góp vốn hơn 700 triệu USD của các nhà đầu tư dựa trên trò lừa đảo trên quy mô lớn, có tổ chức và kéo dài nhiều năm.
Theo SEC, công nghệ "thử máu không dùng kim" chỉ được thực hiện với một số rất ít mẫu xét nghiệm còn với đại đa số các mẫu còn lại, công ty đã sử dụng máy của các công ty khác.
Kết quả điều tra còn chứng tỏ Theranos bốc phét hoặc nói dối các nhà đầu tư về công nghệ, hoạt động và tình hình tài chính công ty.
Để khỏi bị SEC đề nghị truy tố, Elizabeth Holmes đã ký thỏa thuận với SEC sẽ đóng tiền phạt nửa triệu USD, chuyển nhượng một phần vốn công ty, từ bỏ phần lớn quyền kiểm soát công ty, không lãnh đạo các doanh nghiệp có đăng ký trên thị trường chứng khoán trong 10 năm và công ty sẽ hoàn trả 19 triệu cổ phần cho các cổ đông.
Dù có thỏa thuận như thế nhưng Bộ Tư pháp vẫn có thể khởi tố vụ án. Hiện nay SEC đã đề nghị khởi tố cựu Chủ tịch Ramesh Balwani.
Bà Jina Choi, giám đốc văn phòng SEC ở San Francisco, đánh giá "đây là bài học quan trọng đối với Thung lũng Silicon".