Trở lại đường đua

(ĐTCK) Là một trong những đối tác hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều hành chính sách tài chính - tiền tệ Việt Nam, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đã dành cho Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2017 bài viết đánh giá diện mạo của ngành, cũng như quá trình tái cấu trúc đang diễn ra.
Con đường tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã gặt hái nhiều thành công Con đường tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã gặt hái nhiều thành công

Những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng với mục tiêu nâng cao hiệu suất và tính lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam kể từ năm 2012 tới nay đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Trên cơ sở tiến bộ này, việc có các giải pháp tiếp cận đa diện với những cải tổ sâu rộng hơn trong hệ thống ngân hàng, đồng thời hỗ trợ phát triển thị trường vốn, sẽ giúp xây dựng một hệ thống tài chính ổn định và hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của một nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng “chóng mặt”, sau đó là sự bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát và nợ xấu gia tăng. Sự mở rộng tín dụng này đã làm nổi bật một số điểm yếu có liên quan tới thực trạng cho vay tại thời điểm này, cũng như yếu tố quản trị kém và sự thiếu giám sát đối với lĩnh vực ngân hàng. Kết quả là, những rủi ro và thách thức ngày càng gia tăng đã tác động tiêu cực tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế.

Kể từ khủng hoảng thanh khoản năm 2012 tới nay, tình trạng trên đã được cải thiện. Nhận thức được nhu cầu tài chính đang tăng lên của Việt Nam, Chính phủ đã ưu tiên tiến hành tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, bộ phận chiếm khoảng 71% hệ thống tài chính của đất nước, với khối tài sản tương đương 1,75 lần GDP và tín dụng nội địa vượt mức 130% GDP.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam 

Những cải tổ được thực hiện kể từ năm 2012, cùng với sự ổn định của tài chính vĩ mô, là những kết quả đáng khen ngợi. Bên cạnh đó, phải nhắc tới các biện pháp nhằm tránh được một cuộc khủng hoảng thanh khoản trên hệ thống, tăng cường hoạt động giám sát, nâng cao quy định lĩnh vực ngân hàng, cải thiện quản lý nợ xấu và tiến hành sáp nhập các nhà băng yếu kém vào ngân hàng mạnh hơn. Việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) năm 2013 được coi là một bước quan trọng trong ngăn chặn khủng hoảng thanh khoản ngành ngân hàng, đồng thời quản lý và hạn chế các khoản nợ xấu.

Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tiến hành thêm một số cải cách, nếu muốn tránh những rủi ro có thể làm suy yếu ngành ngân hàng trong tương lai và làm chệch hướng triển vọng phát triển dài hạn của đất nước.

Những rủi ro nổi bật mà lĩnh vực tài chính Việt Nam đang phải đối mặt bao gồm chất lượng tài sản trong hệ thống ngân hàng, cơ sở vốn yếu của các tổ chức tín dụng, khối nợ xấu chưa được giải quyết tại VAMC và sự yếu kém trong hoạt động giám sát hệ thống tín dụng. Chưa kể các vấn đề về minh bạch và kế toán chưa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Để đối diện những thách thức này, điều cần thiết là có cách tiếp cận đa dạng, toàn diện trong quá trình tái cơ cấu và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng. Theo đó, việc cải tổ khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là nâng cao yếu tố quản trị và minh bạch, sẽ góp phần hỗ trợ cho các chính sách bổ sung khác, như cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Trong trung hạn, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc có các giải pháp toàn diện hướng tới phát triển khu vực tài chính, bao gồm cả các cải cách đang được thực hiện tại hệ thống ngân hàng và thị trường vốn.

Chúng tôi đánh giá cao kế hoạch tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng của Chính phủ Việt Nam, bởi kế hoạch này giúp hiện đại hóa, tái cơ cấu và củng cố hệ thống tín dụng. Trong đó, đóng vai trò trung tâm là Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Đây là bước đi cần thiết để nâng cao hơn khả năng cạnh tranh tổng thể của khu vực ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện các quy định của Ngân hàng Nhà nước, tăng cường năng lực giám sát và hoạt động thực thi quy định. Hiện tại, các quy định đối với nhà băng, cũng như hoạt động giám sát của cơ quan quản lý vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các Nguyên tắc cơ bản của Basel (BCPs).

Chưa kể, khi lĩnh vực tài chính phát triển, cần phải tiến hành giám sát dựa trên cơ sở rủi ro và xây dựng các kỹ năng cần thiết cho thanh tra của Ngân hàng Nhà nước để phù hợp với khuôn khổ giám sát rủi ro.

Hiện tại, việc có nhiều mục tiêu, trong khi tính độc lập bị giới hạn, đã hạn chế hiệu quả việc thực thi các chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, cần thiết phải hiện đại hóa luật pháp nhằm củng cố thêm sức mạnh của cơ quan quản lý, nâng cao năng lực tài chính của các nhà băng, áp dụng tiêu chuẩn vốn Basel II và kiểm soát rủi ro theo các quy chuẩn quốc tế.

Đồng thời, củng cố hệ thống pháp luật, minh bạch quyền sở hữu, cải thiện tính độc lập trong hoạt động thanh tra - giám sát, áp dụng chuẩn mực quản trị tốt, bao gồm cả thực thi và kiểm tra thường xuyên các báo cáo nhằm đảm bảo sự minh bạch, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với đó, thị trường vốn cũng cần được phát triển hơn nữa để hỗ trợ nguồn tài chính dài hạn cho các khoản đầu tư quan trọng vào cơ sở hạ tầng, chi tiêu công cộng và cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước muốn huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nếu hệ thống tài chính được đa dạng hóa và củng cố sức mạnh theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế, ngành ngân hàng sẽ đối mặt với ít rủi ro tiềm ẩn hơn, ít bị đặt vào tình thế nguy hiểm khi quá hạn trả nợ do dùng tiền gửi ngắn hạn để cho vay dài hạn.

Thanh khoản trên thị trường vốn trong nước cũng sẽ được tăng cường, dẫn đến kết quả tích cực cho ngành ngân hàng Việt Nam, cũng như triển vọng kinh tế dài hạn của đất nước.


Đặc san toàn cảnh ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục