Vốn vào bất động sản, nhìn từ “độ thoáng” của ngân hàng!

(ĐTCK) Khác với giai đoạn trước, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khả quan ngay từ những tháng đầu năm 2017. Bên cạnh mặt bằng nguyên nhân lãi suất dần giảm về mức hợp lý, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục được duy trì tốt, thị trường bất động sản tiếp tục là kênh hấp thụ vốn được ngân hàng ưu tiên.
Các ngân hàng đang sẵn sàng dòng vốn lớn dành cho các cá nhân vay mua nhà Các ngân hàng đang sẵn sàng dòng vốn lớn dành cho các cá nhân vay mua nhà

Cửa mở rộng hơn cho cá nhân

Đại diện Sacombank cho biết, tín dụng của ngân hàng này tăng trong năm qua chủ yếu qua kênh cho vay nhỏ lẻ, nhất là vay mua nhà. Không quá tập trung vào các chủ đầu tư, Sacombank ưu tiên vốn cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn mua nhà với nhiều gói cho vay ưu đãi.

Dư nợ tín dụng cá nhân vay mua nhà tính đến cuối năm 2016 chiếm khoảng 15% trên tổng dư nợ cá nhân của Sacombank với tỷ lệ nợ quá hạn luôn được kiểm soát tốt.

Đầu năm 2017, Sacombank tiếp tục triển khai hai gói vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân là gói “Hạnh phúc đầu năm” cho mục đích mua nhà và mua xe ô tô phục vụ đời sống và gói vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với lãi suất ưu đãi thấp nhất là 8,5%/năm.

"Bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản tiếp tục có nhiều dấu hiệu khả quan, thậm chí một số phân khúc mới trong thời kỳ đầu hồi phục. Tuy nhiên, tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực này vẫn cần phải được xem xét cân đối ở mức hợp lý trong danh mục cho vay của các NHTM".

- Phó tổng giám đốc một ngân hàng.

Lãi suất dành cho cá nhân vay mua nhà tại ACB cũng chỉ dao động từ 9-10%/năm. Thậm chí, trong 1-2 năm đầu, Ngân hàng còn ưu đãi mức lãi suất 8%/năm. Mạnh dạn hơn, một số ngân hàng còn đưa ra mức lãi suất 0% trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, đối với vay mua nhà/căn hộ thuộc dự án, OCB liên kết với chủ đầu tư đưa ra chương trình lãi suất 0%/năm.

Bên cạnh đó, với khách hàng vay mua nhà phố riêng lẻ, OCB đã triển khai chương trình vay ưu đãi “Vốn giá rẻ - Xuân phát tài” trên toàn hệ thống với lãi suất chỉ từ 5,99%/năm. Cùng với mức ưu đãi lãi suất trên, khách hàng sẽ được hỗ trợ tối đa 100% nhu cầu vốn; thời gian vay lên đến 20 năm; Lãi suất và hồ sơ vay vốn sẽ được ưu đãi theo từng phân khúc khách hàng.

Năm 2016, OCB ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong dư nợ cho vay mua nhà, với mức tăng hơn 30% so với năm 2015. Trong năm 2017, OCB vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay mua nhà nhằm đáp ứng nhu cầu mua nhà ngày càng tăng của khách hàng.

Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, năm 2017, nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân vay mua nhà sẽ tiếp tục gia tăng khi tỷ lệ đô thị hóa ngày càng cao và tầng lớp trung lưu tăng mạnh. Đồng thời, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), chỉ riêng tại TP.HCM, mỗi năm đã có hơn 50.000 cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn cần nhà ở, đặc biệt là phân khúc nhà ở trung bình và giá rẻ. Đây cũng là một phân khúc thị trường tiềm năng mà OCB, ACB, HDBank… định hướng khai thác trong năm 2017.

Rủi ro có gia tăng?

Trả lời câu hỏi trên, lãnh đạo các nhà băng một mặt khẳng định quy trình kiểm soát rủi ro tại ngân hàng mình ngày càng chặt chẽ hơn, mặt khác cho rằng rủi ro chỉ xuất hiện khi thị trường giao dịch bất động sản không được kiểm soát chặt chẽ, giá cả giao dịch không hợp lý, cung vượt xa so với cầu. Còn nếu kiểm soát tốt và tín dụng bất động sản được quản lý ở mức hợp lý, chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng có nhu cầu mua để ở thì cả thị trường tín dụng lẫn bất động sản đều có cơ hội tiếp tục phát triển bền vững.

“Bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản tiếp tục có nhiều dấu hiệu khả quan, thậm chí một số phân khúc mới trong thời kỳ đầu hồi phục. Tuy nhiên, tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực này vẫn cần phải được xem xét cân đối ở mức hợp lý trong danh mục cho vay của các NHTM”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng nói.

Chẳng hạn, tại Sacombank với định hướng phát triển tín dụng bất động sản là tập trung vào đẩy mạnh phát triển cho vay phân tán, tiêu dùng nhỏ lẻ, riêng cho vay mua nhà không được phân loại vào cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ mà quản lý theo một dòng sản phẩm riêng, danh mục cho vay theo từng loại hình sản phẩm luôn được giám sát thường xuyên của các đơn vị quản lý rủi ro, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng hợp lý và an toàn.

Hiện nay, đối tượng khách hàng được nhiều ngân hàng ưu tiên là những người ở độ tuổi đi làm, có thu nhập ổn định, có nhu cầu vay mua nhà/căn hộ để ở. Một số ngân hàng có cơ chế cho vay mua nhà lên đến 25 năm nhằm giảm áp lực trả nợ định kỳ, cơ chế vay linh hoạt, khách hàng có thể dùng chính căn nhà dự định mua làm tài sản thế chấp. Sacombank, OCB cũng có thể cho vay lên đến 100% nhu cầu vay vốn nếu tài sản đủ đảm bảo cho khoản vay và thủ tục vay vốn rất đơn giản. Ngoài ra, các ngân hàng, trong đó Sacombank  liên kết với nhiều công ty bất động sản uy tín để cung cấp thêm các ưu đãi cho khách hàng vay như Novaland, Phú Mỹ Hưng…

Về ứng xử của cơ quan quản lý thị trường với dòng vốn vào thị trường bất động sản, các chuyên gia tài chính cho rằng, không nên siết tín dụng bất động sản, đặc biệt là hoạt động cho khách hàng cá nhân cho vay mua nhà, vì nó xuất phát từ cung - cầu tự nhiên. Tuy nhiên, để kiểm soát rủi ro khi cho vay mua nhà, các ngân hàng phải có những chính sách cho vay khác nhau theo từng phân khúc khách hàng như khách hàng mua nhà/căn hộ thuộc dự án, nhà ở riêng lẻ… nhằm đảm bảo cho vay đúng nhu cầu thực về mua nhà để ở và nguồn thu nhập của khách hàng ổn định, đủ khả năng trả nợ.

Có một vấn đề là hiện số liệu về dư nợ tín dụng bất động sản khá khan hiếm trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước chỉ cho biết, tỷ lệ dư nợ tín dụng lĩnh vực này chiếm chưa tới 10% trong tổng dư nợ và nợ xấu bất động sản luôn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nợ xấu bất động sản tồn tại dưới nhiều hình thức rất phức tạp, bức tranh nợ xấu của ngân hàng chậm được cải thiện một phần do các tài sản đảm bảo bằng bất động sản không có tính linh động, tính thanh khoản kém. Vì thế, việc đẩy mạnh cho vay bất động sản, ở một góc độ nào đó sẽ khiến khối nợ xấu được đảm bảo bằng bất động sản dễ xử lý hơn, tất nhiên cũng cần có chính sách ngăn ngừa rủi ro và các mặt tiêu cực.

Đó cũng là lý do khiến NHNN ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN khi giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài, hạn từ 60% xuống còn 50% áp dụng từ đầu năm 2017 và có lộ trình giảm thêm, đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản từ 150% lên 200%. Nhận định về chính sách này, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, Thông tư 06 đang chứng tỏ ảnh hưởng tích cực lên thị trường bất động sản với một lộ trình đủ dài để các ngân hàng có thể điều chỉnh hoạt động cho vay trên thị trường này.

Cơ hội tốt để các cá nhân vay mua nhà để ở

Đại diện Sacombank

Năm 2017, thị trường bất động sản dự báo phát triển mạnh ở phân khúc nhà ở/căn hộ dành cho tầng lớp trung bình. Đây cũng là phân khúc bền vững, trụ cột cho thị trường bất động sản và chiếm hơn 50% dân số của Việt Nam có nhu cầu tại phân khúc này. Do vậy, các TCTD cũng đang từng bước phát triển theo định hướng này, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi tín dụng nhằm thu hút đối tượng khách hàng này vay vốn.

Triển vọng về tín dụng vay mua nhà khả năng sẽ tăng tương đối trong năm 2017, nhưng sẽ không tăng đột biến như các năm trước. Hiện nay, lãi suất cho vay mua nhà mà các ngân hàng đưa ra được xem là con số mơ ước so với các năm trước.

Bên cạnh đó, giá bất động sản cũng ở mức hợp lý hơn nên đây chính là cơ hội cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà để ở.

"Tín dụng bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh"

Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB

Với những diễn biến trên thị trường như hiện nay, có thể thấy rằng vàng và USD vẫn chưa phải là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2017. Vì vậy, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và thu hút dòng tiền tiết kiệm. Trường hợp lãi suất huy động tiếp tục tăng trong năm nay thì lãi suất cho vay cũng sẽ có diễn biến tăng.

Tuy nhiên, hiện nay OCB có sự phân cấp lãi suất rõ rệt theo kỳ hạn vay ngắn hạn, trung dài hạn và theo từng đối tượng khách hàng, loại tài sản bảo đảm theo những tiêu chí phân loại theo Thông tư 41/2016/NHNN (quy định theo chuẩn mực quốc tế của Basel 2), thể hiện khi Khách hàng vay vốn tại OCB sẽ được tham gia chương trình ưu đãi lãi suất. Từ đó có thể thấy, mặc dù lãi suất huy động tăng nhưng mức lãi suất cho vay của OCB theo từng phân khúc khách hàng, loại tài sản đảm bảo vẫn rất hấp dẫn đối với khách hàng.

Tín dụng bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt là nhu cầu vay mua nhà ở của người dân thuộc phân khúc thu nhập trung bình khá vẫn còn rất lớn. Loại hình tín dụng này nếu ngân hàng tập trung vào phân nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà ở và có quy trình cho vay kiểm soát tốt thì vẫn đảm bảo an toàn và chất lượng trong danh mục cho vay của ngân hàng.

OCB trong năm 2017 vẫn dành một mức độ ưu tiên nhất định trong việc cho vay mua nhà để ở, đặc biệt là cho vay khách hàng mua nhà ở tại các dự án Ngân hàng có tài trợ. Ngoài ra, việc cho vay đầu tư bất động sản tại các dự án nhà ở OCB cũng đang được kiểm soát chặt chẽ, chỉ xem xét tài trợ cho những dự án có đầu ra khả thi, pháp lý đầy đủ và chủ đầu tư uy tín trên thị trường.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thùy Vinh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục