Không như thông lệ, năm nay, với tuyệt đại đa số doanh nghiệp vận tải hành khách, đặc biệt là các hãng hàng không và doanh nghiệp vận tải đường sắt, đợt cao điểm vận chuyển Tết thật ngắn ngủi, với những khoản doanh thu ít ỏi, hụt rất sâu so với dự kiến.
Thông thường, đợt cao điểm vận chuyển hành khách Tết hằng năm bắt đầu từ đầu tháng Chạp và kết thúc vào cuối tháng Giêng, sau khi mang lại cho các doanh nghiệp vận tải khách những khoản doanh thu rất lớn. Nhưng đợt xuân vận năm 2021 cơ bản kết thúc chỉ vài ngày sau khi ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên tại Hải Dương được phát hiện (ngày 27/1), ngay trước kỳ nghỉ Tết Tân Sửu khoảng chục ngày.
Dấu hiệu đầu tiên là việc hành khách đổ xô đến các nhà ga đường sắt, đại lý bán vé máy bay để làm thủ tục hoàn trả vé về quê hoặc bay đến các điểm du lịch trong dịp Tết. Vào đầu tháng 2/2021, do lo lắng về dịch bệnh, khách ùn ùn trả vé tàu Tết khiến Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn có thời điểm thậm chí không còn tiền mặt trả khách. Để giảm bớt áp lực, ngành đường sắt đành xin hoàn tiền cho hành khách sau 90 ngày tính từ ngày trả vé.
Cho đến những ngày giáp Tết, hầu hết các chuyến bay, chuyến tàu xuất phát từ TP.HCM và Hà Nội rất vắng khách. Ngành hàng không đã phải hủy nhiều chuyến tàu, chuyến bay vào các ngày 29, 30 Tết - thời điểm mọi năm các sân bay thường chật cứng hành khách đáp những chuyến bay cuối cùng về quê ăn Tết.
Sự sụt giảm sâu về sản lượng vận tải hành khách được ghi nhận tại tất cả loại hình vận tải, nhất là 6 ngày trước và trong Tết Nguyên đán (từ 28 tháng Chạp đến mùng 3 Tết). Tổng số khách đi tàu chỉ vỏn vẹn 12.793 hành khách, bằng 33,56% so với năm 2020. Tổng số chuyến bay cất hạ cánh tại các cảng hàng không Việt Nam là 9.500 lần hạ cất cánh, giảm 43,4%, với tổng số 815.600 hành khách được vận chuyển, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài việc mất một lượng lớn doanh thu, lợi nhuận, các doanh nghiệp hàng không, đường sắt còn đứng trước nguy cơ cạn kiệt dòng tiền khi việc hoàn trả vé cho hành khách phải được thực hiện trong 1 -2 tháng tới. Nhiều doanh nghiệp vận tải đường sắt, hàng không đang thực sự bế tắc khi số tiền bán vé thu trước từ hành khách đã được trang trải các khoản nợ; chi phí bảo dưỡng phương tiện để phục vụ đợt vận chuyển Tết, trong khi dòng tiền thu về là không đáng kể.
Đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách - đối tượng bị tổn thương nặng nề trong suốt năm 2020 bởi dịch Covid-19, đây thực sự là đòn giáng mạnh vào tình hình tài chính. Những khoản lỗ lớn chắc chắn sẽ được ghi nhận trong các báo cáo tài chính quý I, thậm chí quý II/2021. Đời sống, việc làm của hàng vạn lao động trong lĩnh vực này vốn đã khó nay lại càng chông chênh.
Không khó hiểu khi mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp vận tải hành khách lúc này là đại dịch Covid-19 được khống chế càng sớm càng tốt. Đối với vận tải hàng không, đường sắt, nếu mất nốt đợt vận chuyển cao điểm hè 2021 do dịch bệnh, sẽ là một thảm họa,khiến không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, không thể gượng dậy.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đây là thực tế cần phải đối diện và có giải pháp xử lý sớm. Vào lúc này, không cần đợi các doanh nghiệp vận tải đường sắt, hàng không kêu cứu, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét ngay việc kéo dài các hỗ trợ đã được thực hiện khá hiệu quả trong năm 2020, trong đó quan trọng nhất là việc hỗ trợ dòng tiền, đảm bảo tính thanh khoản cho các đợt hoàn trả vé sắp tới.