Trình Quốc hội kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu, cập nhật lại số liệu

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ trình Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khoá XV bước sang ngày làm việc thứ hai. Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khoá XV bước sang ngày làm việc thứ hai.

Tiếp tục kỳ họp thứ ba, sáng 24/5 Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa uỷ quyền Thủ tướng trình kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tờ trình nêu rõ, trải qua gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi tắt là VAMC).

Việc thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Nhưng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 chỉ kéo dài 5 năm và sẽ hết hiệu lực thi hành sau ngày 15/8/2022. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, Thống đốc trình bày.

Theo Thống đốc, việc thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ TCTD, VAMC xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm cũng sẽ kéo dài quá trình xử lý nợ xấu. Các khoản nợ xấu đang xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/NQ14 sẽ chuyển sang việc xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan sẽ gây khó khăn cho TCTD khi tiếp tục xử lý khoản nợ xấu đó, dễ dẫn đến việc phát sinh những tranh chấp giữa TCTD và khách hàng.

Bên cạnh đó, các khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác (đặc biệt liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu) nếu không được tiếp tục thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình xử lý TCTD yếu kém.

Do đó, cần thiết phải tiếp tục duy trì các chính sách hiệu quả mà Nghị quyết số 42/2017/QH14 mang lại nhằm đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, tránh những tranh chấp phát sinh trong thực tiễn.

Từ sự cần thiết trên, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến ngày 31/12/2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất và0 kỳ họp đầu năm 2023.

Tại báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết 42, Chính phủ cũng đã cập nhật lại số liệu đã báo cáo.

Theo đó, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541,6 nghìn tỷ đồng . Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tính đến 31/12/2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021 là 412,67 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Khối NHTM Nhà nước (bao gồm 4 ngân hàng: NHTMCP Công thương Việt Nam, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam, Agribank và 3 ngân hàng mua lại bắt buộc: Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu, Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam) là 278,6 nghìn tỷ đồng;.

Nợ xấu Khối NHTM cổ phần là 231,1 nghìn tỷ đồng; khối TCTD phi ngân hàng là 32,05 nghìn tỷ đồng; khối TCTD hợp tác và tổ chức tài chính vi mô là 1,5 nghìn tỷ đồng; khối Ngân hàng liên doanh là 1,08 nghìn tỷ đồng; khối ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 1,6 nghìn tỷ đồng; khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 2,69 tỷ nghìn đồng. Ngoài ra, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (do Bộ Tài chính quản lý) đến 30/9/2021 là 45,6 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực. Trong 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã xử lý thì xử lý nợ xấu nội bảng (Không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và hình thức TCTD bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79%.

Trong đó, khách hàng trả nợ: 148,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,28%; TCTD nhận tài sản bảo đảm thay cho nghĩa vụ trả nợ: 3,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,63%; bán, phát mại tài sản bảo đảm: 8,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,06%; bán cho các tổ chức khác: 24,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,29%; các hình thức xử lý khác: 13,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,86%.

Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%); xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 nghìn tỷ đồng (không bao gồm hình thức TCTD mua lại khoản nợ xấu từ VAMC), chiếm 21,70%.

Theo nghị trình, sáng mai (25/5) Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết này.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục