Trình báo cáo thẩm định Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu

0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo kết quả thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Đường dây 500 kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 18/8/2023.
Đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 dài gần 742 km được khởi công tháng 12/2018 và đóng điện kỹ thuật vào 31/7/2022. Đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 dài gần 742 km được khởi công tháng 12/2018 và đóng điện kỹ thuật vào 31/7/2022.

Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc về Thủ tướng Chính phủ

Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là chủ đầu tư, thực hiện trên địa bàn 3 tỉnh là Quảng Bình – Hà Tĩnh và Nghệ An sẽ xây dựng mới đường dây 500 kV gồm 2 mạch, chiều dài 225,5 km với điểm đầu là sân phân phối 500 kV Trung tâm điện lực Quảng Trạch và điểm cuối là gần trạm biến áp 500 kV Quỳnh Lưu.

Mục tiêu là tăng cường năng lực truyền tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc, đặc biệt khi xu hướng công suất truyền tải cao theo hướng Trung - Bắc do phụ tải khu vực miền Bắc có tốc độ tăng trưởng cao.

Đồng thời truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện khu vực Bắc Trung bộ cũng như các nhà máy năng lượng tái tạo khu vực này vào hệ thống điện quốc gia, cung cấp điện cho trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc.

Tại dự án này, diện tích móng cột chiếm vĩnh viễn phải chuyển đổi mục đất sử dụng đất và mục đích sử dụng rừng là 136,45 ha. Trong đó có 11.22 ha đất lúa; 12,29 ha đất rừng đặc dụng; 30,49 ha đất rừng phòng hộ; 75,63 ha đất rừng sản xuất và 6,19 ha đất ngoài lâm nghiệp.

Diện tích hành lang tuyến cần 721,54 ha; trong đó đất lúa là 133.74 ha; đất ở là 1,28 ha; đất rừng đặc dụng là 33,42 ha; đất rừng phòng hộ là 118,14 ha; đất rừng sản xuất là 337,22 ha và đất khác là 99,02 ha.

Diện tích đất ảnh hưởng do thi công làm đường tạm cũng được tính là 39,95 ha.

Đây là công trình năng lượng cấp đặc biệt nhóm A với thời gian hoạt động là 40 năm. Thời gian thực hiện dự án được dự kiến từ năm 2023 đến năm 2025, phấn đấu đóng điện vào tháng 6/2024.

Tổng mức đầu tư sơ bộ là hơn 10.110 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay thương mại dự kiến là 70% giá trị tổng mức đầu tư (chưa bao gồm VAT) và vốn chủ sở hữu là khoảng 30% giá trị tổng mức đầu tư được phân bổ theo kế hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi hồ sơ dự án tới các Bộ gồm Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 3 UBND các tỉnh có liên quan và đã nhận đủ ý kiến góp ý của các nơi này.

Với tính chất dự án thực hiện trên địa bàn 3 tỉnh và có nhu cầu đề nghị 3 tỉnh giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không qua đấu giá, nên căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Đầu tư, Dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyển đổi đất và thu xếp vốn được lưu ý để dự án triển khai thuận lợi

Để triển khai dự án này, EVNNPT đã trình thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành tổ chức thẩm định với các ý kiến đóng góp của các bên liên quan.

Liên quan đến việc chuyển đổi đất lúa với thực tế dự án ảnh hưởng tới 11,2 ha đất lúa tại Nghệ An và Hà Tĩnh ở các vị trí móng cột và khoảng 133,74 ha bị ảnh hưởng bởi hàng lang tuyến, hai địa phương này cũng cho biết chỉ tiêu đất trồng lúa có đủ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Tuy nhiên EVNNPT cũng cho biết, việc trồng lúa không ảnh hưởng tới hành lang tuyến và cam kết đáp ứng điều kiện chuyển đổi đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng mục đích phi nông nghiệp theo đúng quy định hiện hành và phối hợp với địa phương có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi.

Đối với 83,15 ha đất rừng có nhu cầu cần chuyển đổi mục đích sử dụng, trong đó có 23,5 ha là rừng tự nhiên và 59,66 ha là rừng trồng tại 3 tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị EVNNPT khẩn trương hoàn thành công tác khảo sát, lập hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định pháp luật hiện hành bởi đây là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án…

Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của hệ thống truyền tải 500 kV từ miền Trung ra Bắc, cụ thể là đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, sau khi thẩm định Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đồng thời với quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện thủ tục thẩm định và có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật về Lâm nghiệp).

Đồng thời giao UBND các tính Quảng Binh, Hà Tĩnh, Nghệ An chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các thủ tục bảo đảm đủ điều kiện giải phóng mặt bằng Dự án đáp ứng tiến độ triển khai các hạng mục dự án, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng đất sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, tránh lãng phí tài nguyên.

Các địa phương này cũng được đề nghị kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của EVNNPT bảo đảm đúng tiến độ và đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các Bộ ngành liên quan bao gồm kiểm tra việc ký quỹ, huy động vốn của EVNNPT theo tiến độ thực hiện của Dự án.

Đối với EVNNPT, trong báo cáo thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị đơn vị này phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và UBND ba địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện đầu tư dự án dự bảo đảm triển khai thực hiện, quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và pháp luật có liên quan.

Trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, EVNNPT có trách nhiệm trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt phương án huy động vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật số 69/2014/QH13.

Chịu trách nhiệm bố trí đủ vốn chủ sở hữu và vốn vay để bảo đảm thực hiện Dự án đúng tiến độ. Đồng thời chỉ được thực hiện các dự án khác trong kế hoạch khi đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định. Trường hợp không cân đối được nguồn vốn phải ưu tiên thực hiện dự án này và các dự án đường dây mạch 3 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp cùng Uỷ ban Quản lý vốn tập trung chỉ đạo, lãnh đạo triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, đầu tư xây dựng Dự án đường dây truyền tải 500 kV từ Quảng Trạch ra các tỉnh Bắc bộ (đến PHố Nối), hoàn thành trong tháng 6/2024 để tăng cường năng lực truyền tải ra các tỉnh Bắc bộ vào các tháng cao điểm nắng nóng năm 2024.

Bộ Công thương lập kế hoạch cụ thể, đường găng tiến độ triển khai các bước của Dự án và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc bảo đảm tiến độ hoàn thành nêu trên.

(Văn bản 745/TTg-CN ngày 15/8/2023)

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục