Triển vọng thị trường dầu suy yếu trước lo ngại về nguồn cung gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu tiếp tục sụt giảm sau khi OPEC+ quyết định sẽ đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung nhiều hơn sẽ đổ vào thị trường vốn đang bị bao trùm bởi triển vọng nhu cầu không chắc chắn.
Triển vọng thị trường dầu suy yếu trước lo ngại về nguồn cung gia tăng

Giá dầu Brent đang dao động quanh 60 USD/thùng trong khi dầu WTI đang dao động quanh 57 USD/thùng, cả hai đều chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/4 sau khi OPEC+ đồng ý đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu trong tháng thứ hai liên tiếp, khi quyết định tăng sản lượng trong tháng 6 thêm 411.000 thùng/ngày trong cuộc họp cuối tuần trước.

Trước đó, giá dầu cũng đang chịu áp lực do lo ngại về sự suy thoái kinh tế toàn cầu sau đòn tấn công thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo đó, việc tăng sản lượng vào tháng 6 từ tám nhà sản xuất trong liên minh OPEC+ sẽ đưa tổng mức tăng kết hợp của tháng 4, tháng 5 và tháng 6 lên 960.000 thùng/ngày, tương đương với việc hủy bỏ 44% trong số 2,2 triệu thùng/ngày của các đợt cắt giảm khác nhau đã được thống nhất kể từ năm 2022.

"OPEC+ vừa ném một quả bom vào thị trường dầu mỏ…Quyết định mới đây là một thông điệp chắc chắn rằng OPEC+ đang thay đổi chiến lược và theo đuổi thị phần sau nhiều năm cắt giảm sản lượng", Jorge Leon, nhà phân tích của Rystad Energy cho biết.

Theo các nguồn tin của OPEC+, liên minh có thể hủy bỏ hoàn toàn các đợt cắt giảm tự nguyện vào cuối tháng 10 nếu các quốc gia thành viên không cải thiện việc tuân thủ hạn ngạch sản xuất. Các nguồn tin cũng cho biết Ả Rập Xê Út đang thúc đẩy OPEC+ đẩy nhanh việc hủy bỏ các đợt cắt giảm sản lượng trước đó để trừng phạt các thành viên khác là Iraq và Kazakhstan vì không tuân thủ hạn ngạch sản xuất.

"Việc Ả Rập Xê Út thúc đẩy tăng sản lượng không chỉ nhằm thách thức nguồn cung đá phiến của Mỹ mà còn nhằm trừng phạt các thành viên được hưởng lợi từ giá cao hơn trong khi vẫn phô trương giới hạn sản xuất… Việc tăng sản lượng dầu vào thời kỳ suy thoái kinh tế sẽ gây áp lực lên giá cho đến khi chúng ta có bức tranh rõ ràng hơn về tác động của nhu cầu", nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết.

Bên cạnh đó, Barclays và ING cũng đã hạ dự báo giá dầu Brent sau quyết định tăng sản lượng của OPEC+.

Barclays đã hạ dự báo giá dầu Brent xuống còn 66 USD/thùng cho năm 2025 và 60 USD/thùng cho năm 2026 từ mức lần lượt là 70 USD/thùng và 62 USD/thùng trước đó, trong khi ING dự kiến ​​giá dầu Brent trung bình là 65 USD/thùng trong năm nay từ mức 70 USD/thùng trước đó.

"Thị trường dầu mỏ đang phải đối mặt với sự bất ổn đáng kể về nhu cầu trong bối cảnh rủi ro thuế quan. Sự thay đổi này trong chính sách của OPEC+ làm tăng thêm sự bất ổn về phía cung", các nhà phân tích của ING cho biết.

David Wech, nhà kinh tế trưởng của công ty phân tích dữ liệu Vortexa cho biết, nỗi lo suy thoái lan rộng và nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu tinh chế yếu cũng đang gây sức ép lên giá dầu, đồng thời cho biết từ giữa tháng 2, Vortexa đã ghi nhận mức tăng khoảng 150 triệu thùng trong kho dự trữ dầu thô toàn cầu tại các bể chứa trên bờ và trên các tàu chở dầu trên biển.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục