Triển vọng kinh tế mù mờ, giới đầu tư thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall đóng cửa trái chiều trong phiên ngày thứ Tư (10/2) sau những tuyên bố mơi nhất từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Triển vọng kinh tế mù mờ, giới đầu tư thận trọng

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày thứ Tư hướng sự chú ý vào bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Theo ông Powell, ông và các đồng nghiệp của mình đang tập trung vào việc đưa người Mỹ trở lại làm việc sau đại dịch tàn khốc.

“Với số lượng người đã mất việc cũng như sẽ phải vật lộn để tìm việc làm mới trong nền kinh tế hậu đại dịch, để đạt được và duy trì tỷ lệ việc làm tối đa đòi hỏi nhiều hơn chính sách tiền tệ hỗ trợ. Sẽ cần có một cam kết toàn xã hội, với sự đóng góp của cả chính phủ lẫn khu vực tư nhân ”, ông Powell cho biết.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed cũng nhấn mạnh của mình về những lo ngại xung quanh triển vọng thay đổi tỷ lệ lạm phát. Tỷ lệ lạm phát gia tăng cho phép nền kinh tế tạo ra nhiều việc làm hơn để mang lại lợi ích cho tất cả người lao động, đặc biệt là những gia đình có mức thu nhập đặc biệt thấp.

“Lạm phát đã thấp hơn nhiều và ổn định hơn trong ba thập kỷ qua so với thời gian trước đó”, ông Powell nói.

Bên cạnh đó, Jerome Powell cũng đánh giá, mặc dù việc các hộ gia đình tiết kiệm chi tiêu trong thời gian đại dịch hoành hành có thể tạm thời dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ sau khi mối đe dọa dịch bệnh giảm bớt, song ông không mong đợi mức tăng này là "lớn và duy trì lâu”.

Cuối cùng, ông Powell một lần nữa nhấn mạnh rằng, Fed sẽ cần phải thấy được ​​sự cải thiện đáng kể về thị trường việc làm và thay đổi về lạm phát trước khi có bất kỳ sự cắt giảm nào đối với chính sách mua tài sản trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng.

Về dữ liệu kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (CPI) đã tăng 0,3% trong tháng 1, phần lớn là do giá xăng tăng 7,4%. Tháng trước đó, chỉ số này tăng 0,4%. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động, CPI cốt lõi giảm nhẹ xuống 1,4% trong tháng 1 từ mức 1,6% trong tháng 12 và thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 1,5%. CPI của Mỹ ghi nhận tăng 1,4% trong vòng 12 tháng vừa qua.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết thâm hụt ngân sách liên bang đã tăng mạnh trong tháng 1 lên 163 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ là 33 tỷ USD. Nguyên nhân là do Washington tăng cường hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình và công nhân thất nghiệp trong đại dịch. Mức thâm hụt ngân sách trong bốn tháng đầu năm tài chính hiện tại cao hơn 89% so với cùng kỳ, đạt 736 tỷ USD.

Phiên tòa luận tội thứ hai đối với cựu Tổng thống Donald Trump cũng được tiến hành tại Thượng viện vào chiều thứ Tư, tuy nhiên không tác động nhiều tới thị trường.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số Dow Jones tăng 61,97 điểm (+0,20%), lên 31.437,80 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,35 điểm (-0,03%), xuống 3.909,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 35,16 điểm (-0,25%), xuống 13.972,53 điểm.

Chứng khoán Châu Âu tiếp tục ảm đạm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư do chịu ảnh hưởng từ sự thận trọng trong phiên đêm trước tại phố Wall.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 7,20 điểm (-0,11%), xuống 6.524,36 điểm. Chỉ số DAX tại giảm 78,83 điểm (-0,56%), xuống 13.932,97 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 20,74 điểm (-0,36%), xuống 5.670,80 điểm.

Trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, phần lớn thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm phiên ngày 10/2 khi các nhà đầu tư bỏ qua đà tăng có phần chững lại của Phố Wall và tập trung quan tâm đến triển vọng dài hạn của nền kinh tế toàn cầu khi các lệnh phong tỏa ngăn chặn đại dịch Covid-19 được nới lỏng và cuộc sống dần được cải thiện.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 57,00 điểm (+0,19%), lên 29.562,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 51,60 điểm (+1,43%), lên 3.655,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 562,53 điểm (+1,91%), lên 30.038,72 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 15,91 điểm (+0,52%), lên 3.100,58 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư trước sự suy yếu của đồng USD suy yếu.

Kết thúc phiên 10/2, giá vàng giao ngay tăng 5,90 USD (+0,32%), lên 1.843,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 5,40 USD (+0,29%), lên 1.841,60 USD/ounce.

Giá dầu có phiên tăng giá thứ chín liên tiếp trong ngày thứ Tư, ghi nhận chuỗi tăng giá dài nhất trong vòng hai năm qua. Thị trường được hỗ trợ nhờ việc các quốc gia OPEC+ thắt chặt nguồn cung và kỳ vọng vào công cuộc triển khai vắc-xin Covid-19 sẽ đưa kinh tế toàn cầu phục hồi.

Ngoài ra, tồn kho dầu thô của Mỹ tuần trước đã giảm tuần thứ ba liên tiếp, từ 6,6 triệu thùng xuống còn 4,69 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, theo IEA.

Kết thúc phiên 10/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,32 USD (+0,6%), lên 58,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,38 USD (+0,6%), lên 61,47 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục