Chứng khoán Mỹ tiếp tục leo dốc khi giới đầu tư vẫn đang hân hoan tận hưởng niềm vui gói cứu trợ 1.900 tỷ của Tổng thống Mỹ Joe Biden được Quốc hội thông qua.
Phát biểu trong một chương trình của CBS hôm Chủ Nhật (7/2), Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho rằng, kế hoạch của ông Biden sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ, đủ để đưa nước Mỹ trở lại trạng thái toàn dụng vào năm tới.
Dẫn thống kê do Bộ Lao động công bố ngày 5/2 cuối tuần trước với việc nền kinh tế Mỹ chỉ có thêm 49.000 việc làm mới trong tháng 1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo thị trường lao động nước này đang ở dưới "hố sâu" và phải trải qua quãng đường dài mới có thể thoát ra được.
Tuy nhiên, bà Yellen đánh giá nếu gói kích thích kinh tế của Nhà Trắng được thông qua, thị trường lao động Mỹ sẽ được khôi phục vào năm 2022.
Trong trường hợp gói kích thích này không được thông qua, tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức cao trong nhiều năm dù có thể không chạm mức 4% cho đến năm 2025.
Chi tiết về kế hoạch viện trợ tài chính từ đảng Dân chủ được truyền thông Mỹ đưa tin bao gồm hơn 50 tỷ USD hỗ trợ các hãng hàng không Mỹ, hệ thống vận chuyển, sân bay và đường sắt Amtrak, cũng như một chương trình trị giá 3 tỷ USD hỗ trợ trả lương cho nhân viên các hãng hàng không.
Trong khi đó, việc triển khai vắc-xin đang được đẩy mạnh ở Mỹ, với ít nhất 32.780.860 liều đã được tiêm cho đến nay, đồng thời các ca nhiễm mới hàng ngày đang có xu hướng giảm.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV đã đi qua nửa chặng đường với 294 công ty trong S&P 500 đã công bố báo cáo. 83% trong số đó có kết quả vượt kỳ vọng. Theo Refinitiv, các nhà phân tích nhận thấy, tổng doanh thu quý IV của S&P 500 có thể tăng khoảng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc phiên 8/2, chỉ số Dow Jones tăng 237,52 điểm (+0,76%), lên 31.385,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 28,76 điểm (+0,74%), lên 3.915,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 131,35 điểm (+0,95%), lên 13.987,64 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng trong phiên ngày thứ Hai, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu thuộc các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm theo chu kỳ, khi tâm lý thị trường được nâng lên bởi kỳ vọng nền kinh tế khu vực sẽ phục hồi nhanh hơn.
Kết thúc phiên 8/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 34,20 điểm (+0,53%), lên 6.523,53 điểm. Chỉ số DAX tại tăng 3,19 điểm (+0,02%), lên 14.059,91 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 26,77 điểm (+0,47%), lên 5.686,03 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng vọt trong bối cảnh các doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý vừa qua tăng mạnh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư về sự phục hồi kinh tế.
Chứng khoán Trung Quốc tăng tích cực khi các nhà đầu tư hoan nghênh các biện pháp cải cách mới nhất của Bắc Kinh đối với thị trường chứng khoán.
Chứng khoán Hồng Kông tăng điểm khi tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng tiền dồi dào chảy từ Đại lục.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm khi nhóm cổ phiếu ô tô lao dốc, đồng thời đồng won và lợi suất trái phiếu chuẩn đều tăng gây sức ép.
Kết thúc phiên 8/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 609,31 điểm (+2,12%), lên 29.388,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 36,11 điểm (+1,03%), lên 3.532,45 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 30,79 điểm (+0,11%), lên 29.319,47 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 29,39 điểm (-0,94%), xuống 3.091,24 điểm.
Gia vàng phiên ngày thứ Hai tăng mạnh nhờ động lực từ gói kích cầu khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD đến từ chính phủ Mỹ, bên cạnh sức cầu bắt đáy đối với mặt hàng kim loại quý này.
Kết thúc phiên 8/2, giá vàng giao ngay tăng 15,20 USD (+0,84%), lên 1.830,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 21,10 USD (+1,16%), lên 1.833,00 USD/ounce.
Giá dầu phiên đêm qua tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm. Động lực cho thị trường tiếp tục là việc các nước sản xuất lớn thắt chặt nguồn cung và những kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ.
Kết thúc phiên 8/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,12 USD (+2%), lên 57,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,22 USD (+2,1%), lên 60,56 USD/thùng.