Thứ Tư, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gặp gỡ gặp các nghị sĩ Đảng Dân chủ để bàn bạc kế hoạch thúc đẩy gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD trở thành hiện thực, bất chấp sự phản đối của Đảng Cộng hòa.
Trước đó một ngày, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu theo đảng nhằm mở đường cho một cuộc tranh luận về giải pháp ngân sách 2021 với các hướng dẫn chi tiêu dành để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch.
Việc sử dụng chiến lược này sẽ cho phép đảng Dân chủ có công cụ pháp lý để ban hành gói kích thích theo đề xuất của ông Biden trước sự phản đối của đảng Cộng hòa.
Chiều 2/2, Hạ viện Mỹ cũng bắt đầu thảo luận về gói kích thích và không có hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ.
Các cuộc tranh luận dự kiến sẽ kéo dài hết tuần. Nếu gói kích thích được thông qua, đảng Dân chủ sẽ phải soạn thảo một dự luật cứu trợ riêng và chi tiết, đưa ra sớm nhất là vào giữa tháng Ba, trước khi các cuộc bỏ phiếu cuối cùng được tiến hành.
Trong khi đó, sau hai phiên "rơi không phanh" liên tiếp và bốc hơi 130% giá trị, cố phiếu GameStop lấy lại đà tăng trong phiên đêm qua. Kết thúc phiên, cổ phiếu này tăng nhẹ 2,7%.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ triệu tập một cuộc họp của các quan chức hàng đầu từ Ủy ban chứng khoán và sàn iao dịch (SEC) và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong tuần này để thảo luận về sự biến động của thị trường trong thời gian qua.
Về dữ liệu kinh tế, báo cáo mới nhất của ADP cho thấy, số việc làm các doanh nghiệp tư nhân Mỹ tuyển thêm trong tháng 1 đã tăng trở lại với 174.000 việc làm mới, sau khi cắt giảm 78.000 việc làm vào tháng 12/2020. Dự kiến sẽ có một báo cáo việc làm toàn diện hơn được công bố vào thứ Sáu.
Ngoài ra, khảo sát của Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) cho thấy, chỉ số hoạt động của ngành dịch vụ tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong gần hai năm vào tháng 1/2021, đạt 58,7. Chỉ số này hiện đã cao hơn trước đại dịch.
Kết thúc phiên 3/2, chỉ số Dow Jones tăng 36,12 điểm (+0,12%), lên 30.723,6 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,86 điểm (+0,10%), lên 3.830,17 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,23 điểm (-0,02%), xuống 13.610,54 điểm.
Chứng khoán châu Âu hầu hết giao dịch lạc quan vào ngày thứ Tư nhờ những báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ của các công ty.
Bên cạnh đó, ngày 3/2/2021, Tổng thống Ý Sergio Mattarella đã trao quyền thành lập chính phủ mới cho cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi.
Thông tin về việc trao quyền thành lập chính phủ cho ông Draghi đã ngay lập tức có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán và trái phiếu Chính phủ Ý.
Kết thúc phiên 3/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 8,83 điểm (-0,14%), xuống 6.507,82 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 98,47 điểm (+0,71%), lên 13.835,16 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 0,06 điểm (-0,001%), xuống 5.563,05 điểm.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên ngày thứ Ba. Chứng khoán Nhật Bản có thêm một phiên tích cực khi dự báo kết quả kinh doanh mạnh mẽ của các doanh nghiệp thúc đẩy tâm lý thị trường. Dẫn đầu đà tăng là cổ phiếu ngành vận tải.
Chứng khoán Trung Quốc quay đầu giảm điểm do động thái chốt lời ở nhóm cổ phiếu công nghệ được định giá cao.
Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ, được hỗ trợ bởi các công ty công nghệ và năng lượng.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ ba liên tiếp, khi cổ phiếu ô tô vọt lên nhờ tin tức về thỏa thuận trị giá 3,6 tỷ USD giữa Kia Motors và Apple.
Kết thúc phiên 3/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 284,33 điểm (+1,00%), lên 28.646,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,38 điểm (-0,46%), xuống 3.517,381 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 58,76 điểm (+0,20%), lên 29.307,46 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 32,87 điểm (+1,06%), lên 3.129,68 điểm.
Giá vàng phiên đêm qua tiếp tục giảm trong bối cảnh đồng gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD của Mỹ chưa rõ ràng, thị trường gần như không có các yếu tác động tích cực.
Kết thúc phiên 3/2, giá vàng giao ngay giảm 3,60 USD (-0,20%), xuống 1.833,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 1,40 USD (+0,08%), xuống 1.833,80 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh vào thứ Tư trước thông tin dầu thô dự trữ của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết vào hôm thứ Tư, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm xuống còn 475,7 triệu thùng. Tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu tăng 0,6 điểm phần trăm.
Ngoài ra, thị trường được củng cố bởi việc cắt giảm nguồn cung sâu từ OPEC+. Tổ chức này hôm thứ Tư cho biết sẽ duy trì việc cắt giảm nguồn cung liên tục.
Kết thúc phiên 3/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,93 USD, (+1,7%), lên 55,69 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,01 USD, (+1%), lên 58,46 USD/thùng.