Cần tiếp sức cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là con đường ngắn nhất để Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó có giải pháp về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển khởi nghiệp, nâng cao tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm vượt khó làm giàu trong cộng đồng doanh nghiệp trẻ.
Khởi nghiệp là giai đoạn đầu trong vòng đời hoạt động của doanh nghiệp. Khởi nghiệp sáng tạo là quá trình khởi nghiệp dựa trên việc tạo ra hoặc ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hoạt động đổi mới sáng tạo, thời gian hoạt động chưa quá 5 năm. Như vậy, sự khác nhau cơ bản giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa thông thường và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là tính đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, đi cùng với sự khác biệt, sự đổi mới về công nghệ để tạo ra những sản phẩm mới là rủi ro khá cao đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp vì sản phẩm, công nghệ của họ thường chưa xuất hiện trên thị trường, nên có thể được thị trường chấp nhận hoặc không. Trong khi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường đưa ra những sản phẩm, dịch vụ gần như đã có, nên chịu rủi ro về mặt công nghệ lẫn rủi ro về thị trường ít hơn. Vậy nên, tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công không cao.
Mỗi giai đoạn phát triển trong vòng đời của doanh nghiệp đòi hỏi phương thức gọi vốn phù hợp với quy mô, trình độ quản trị của doanh nghiệp, khả năng chịu đựng rủi ro của nhà đầu tư. Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường thiếu hụt tài chính và nếu không được tiếp vốn, ý tưởng kinh doanh sẽ chỉ dừng lại ở… ý tưởng.
Triển vọng huy động vốn từ các quỹ
Tại Việt Nam, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bắt đầu giải ngân cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quỹ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, được cấp từ ngân sách nhà nước, đối tượng đầu tư là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư khởi nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ có thể tập trung hỗ trợ gián tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường pháp lý và tài chính thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp.
Trong đó, chú trọng đến pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ, phá sản doanh nghiệp, ưu đãi về thuế, cơ chế rút vốn, cơ chế hỗ trợ thông tin, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, phát triển các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trẻ, tăng cường chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp...
Phương thức gọi vốn thứ hai là qua quỹ cộng đồng. Đây là mô hình huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư (thường là nhỏ lẻ), có nhiều điểm tương đồng với mô hình quỹ đầu tư thông thường, nhưng được đơn giản hóa để có thể thực hiện dựa trên nền tảng trực tuyến (platform) với sự hỗ trợ của công nghệ Internet và thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian. Bên gọi vốn có thể hoàn trả bằng cổ phần, vốn vay hoặc sản phẩm.
Phương thức huy động vốn thứ ba là quỹ cổ phần tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo thông lệ quốc tế, quỹ đầu tư có thể đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau như chứng khoán đã đăng ký niêm yết trên sở giao dịch hoặc phần vốn góp, chứng khoán của các công ty chưa niêm yết.
Nếu như quỹ cổ phần tư nhân thường đầu tư dưới hình thức mua toàn bộ hoặc chi phối tại các công ty đã hình thành, hoạt động không hiệu quả, đang thua lỗ, thì quỹ đầu tư mạo hiểm lại ưa thích đầu tư nắm giữ một phần không chi phối (thường dưới 50% vốn) tại các công ty mới hình thành, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng phát triển.
Các quỹ này kỳ vọng vào sự gia tăng giá trị của cổ phần nắm giữ khi kết thúc thời hạn đầu tư, cụ thể là khi công ty phát triển đến giai đoạn tiếp theo hoặc đã đủ điều kiện phát hành chứng khoán ra công chúng để niêm yết hoặc có thể bán lại công ty, cổ phần cho bên thứ ba khi công ty đã có doanh thu, lợi nhuận tốt và ổn định.
Tại Việt Nam, theo Luật Chứng khoán, quỹ đầu tư có 2 loại: quỹ đại chúng và quỹ thành viên. Trong đó, quỹ thành viên hoặc công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ theo pháp luật chứng khoán chính là hình thức quỹ đầu tư mạo hiểm. Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã được xây dựng theo hướng đáp ứng hầu hết các loại sản phẩm và loại hình quỹ đầu tư trên thế giới, trong đó có quỹ mạo hiểm.
Hiện nay, có thể kể đến một số quỹ đầu tư mạo hiểm lớn ở Việt Nam như các quỹ của IDG Ventures, Mekong Capital và Vina Capital. Mới đây, FPT cũng đã công bố ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm.
Điểm còn thiếu đối với lĩnh vực này chính là các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế khi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc các dự án có mức độ rủi ro cao. Ví dụ, Hàn Quốc miễn giảm thuế thu nhập từ bán cổ phần nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện mua bán sáp nhập dễ dàng hơn, qua đó, tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Khoản tiền được đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được tính là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế cho nhà đầu tư cá nhân.
Các công ty đầu tư mạo hiểm được miễn thuế đối với thu nhập từ cổ tức, thu nhập từ chuyển nhượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Miễn thuế đối với lợi nhuận được chia, thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn khi nhà đầu tư cá nhân đầu tư trực tiếp vào công ty đầu tư mạo hiểm.
… và thị trường chứng khoán
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán khi bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng. Việt Nam hiện đã có hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM) phục vụ doanh nghiệp quy mô trung bình và nhỏ với trên 300 doanh nghiệp đăng ký giao dịch.
Việc các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia giao dịch trên UPCoM không chỉ giúp doanh nghiệp huy động được vốn, mà còn bổ sung nguồn hàng cho thị trường. Giữa bối cảnh thị trường UPCoM thanh khoản như hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với tiềm năng tạo ra lợi nhuận vượt trội, có lợi thế cạnh tranh về công nghệ khoa học hiện đại, có thể tạo ra một "làn gió mới" trên thị trường UPCoM.
Tuy nhiên, khi tham gia thị trường, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể sẽ gặp một số khó khăn trong việc đáp ứng các quy định về chào bán cổ phiếu ra công chúng. Không chỉ thế, sau khi lên sàn, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ các quy định, trong đó có quy định về công bố thông tin theo pháp luật hiện hành.
Để đáp ứng những yêu cầu này là một sự khó khăn và thách thức đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn non trẻ. Chưa kể khả năng huy động vốn có thành công hay không khi doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm dịch vụ ở trạng thái chưa chắc chắn. Điều này khiến các nhà đầu tư e dè, thận trọng khi rót vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Hiện nay, Việt Nam chưa có một thị trường vốn chuyên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện đang phân bảng UPCoM Premium (đối với cổ phiếu tốt) và phân bảng cảnh báo nhà đầu tư (đối với cổ phiếu cần cảnh báo nhà đầu tư). Thực tế quản lý giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của sàn UPCoM cho thấy, có thể nghiên cứu tạo lập một bảng giao dịch riêng dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, cần được áp dụng những quy định riêng, có nới lỏng về điều kiện đăng ký giao dịch, nghĩa vụ công bố thông tin, chào bán chứng khoán, quy định về giao dịch… Từ đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn với những tiêu chuẩn đặt ra ở mức thấp hơn so với các tiêu chuẩn của thị trường tập trung, song vẫn đáp ứng các yêu cầu cơ bản về minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư.
Với nỗ lực của Chính phủ và tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng ta hy vọng Việt Nam sẽ sớm có một cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, là nhân tố mới trong nền kinh tế đất nước.
(Bài viết được đăng trên Đặc san 20 năm ngành chứng khoán của Báo Đầu tư, xuất bản tháng 11/2016)