Triển khai TTCK phái sinh, thận trọng là cần thiết

(ĐTCK) Liên quan đến kế hoạch mở cửa TTCK phái sinh vào quý III - IV/2016 như công bố mới đây của Bộ Tài chính, rất nhiều câu hỏi “nóng” đã được các chuyên gia, thành viên thị trường đặt ra cho lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).
Thiếu vắng công cụ phòng vệ rủi ro nên mỗi khi thị trường biến động mạnh, nhiều NĐT, thậm chí là các NĐT tổ chức phải bán tháo, cắt lỗ Thiếu vắng công cụ phòng vệ rủi ro nên mỗi khi thị trường biến động mạnh, nhiều NĐT, thậm chí là các NĐT tổ chức phải bán tháo, cắt lỗ

“Bản thân sản phẩm chứng khoán phái sinh không phải là tội đồ gây nên rủi ro, mà vấn đề là chúng ta hiểu, quản lý và sử dụng sản phẩm này như thế nào. Từ bản chất này, câu hỏi đặt ra là với những định hướng chính sách triển khai TTCK phái sinh đã định hình, Việt Nam có quá thận trọng trong triển khai thị trường này…?”, ông Mehrdad Farimani, Giám đốc điều hành Dịch vụ thanh toán trực tiếp hợp đồng tương lai khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC Hồng Kông đặt câu hỏi tại Hội thảo “Vận hành TTCK phái sinh Việt Nam”, do UBCK phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) vừa tổ chức.

Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long giải đáp, triển khai TTCK phái sinh tại Việt Nam theo hướng thận trọng là cần thiết, bởi điều này được đúc rút từ kinh nghiệm quốc tế, trong đó có những bài học về sự thất bại, đổ vỡ của thị trường.

Chứng khoán phái sinh là công cụ phòng ngừa rủi ro, nhưng ranh giới giữa phòng ngừa rủi ro và đầu cơ rất mong manh, nên việc triển khai TTCK phái sinh tại Việt Nam đang được thúc đẩy theo hướng phát huy tối đa những mặt tích cực của các sản phẩm phái sinh, đồng thời đặc biệt coi trọng quản trị rủi ro nhằm giảm thiểu tác động không mong muốn của các sản phẩm này.

Sự biến động của TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây, theo một số chuyên gia, có thể không mạnh đến như vậy nếu TTCK phái sinh đã được triển khai. Vì thiếu vắng công cụ phòng vệ rủi ro (đặc tính của các sản phẩm chứng khoán phái sinh), dẫn đến tình trạng, mỗi khi thị trường biến động mạnh, nhiều NĐT, thậm chí là các NĐT tổ chức phải bán tháo, cắt lỗ. Điều này cộng với tâm lý đám đông vẫn chi phối mạnh trên thị trường, khiến cho những biến động trên TTCK Việt Nam bị khuyếch đại nhiều lần.

“Đến thời điểm này, xin hỏi ông Long (Phó Chủ tịch UBCK - PV), đã thực sự sẵn sàng cho mở cửa TTCK phái sinh chưa, vì tiến độ triển khai hệ thống công nghệ hiện tại làm tôi liên tưởng đến tình trạng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho xét tuyển của các trường đại học đang rối như canh hẹ…”, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc CTCP StoxPlus đặt câu hỏi.

Ông Long khẳng định, tuy TTCK trong và ngoài nước gần đây có những biến động đáng kể, nhưng việc triển khai TTCK phái sinh đang được tiến hành theo hướng thận trọng và có phần quyết liệt theo lộ trình, chiến lược dài hạn đã đặt ra.

Trong quá trình triển khai hệ thống công nghệ, nhà quản lý cũng như các bên liên quan đã lường tính được các vấn đề cần xử lý. Trong đó, thách thức nhất là xây dựng Đối tác thanh toán trung tâm (CCP), cơ chế liên thông giữa CCP và các thành viên. Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đang nỗ lực triển khai xây dựng hệ thống công nghệ.

“Khó khăn là vậy, nhưng chúng ta là nước đi sau trong triển khai TTCK phái sinh, nên được thừa hưởng nhiều thành tựu cũng như bài học về các giải pháp triển khai hạ tầng công nghệ thông tin từ nhiều thị trường trên thế giới. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, hệ thống này của các TTCK trên thế giới được chuẩn hóa, nâng cấp lên nhiều bằng các thuật toán mới theo hướng kiểm soát rủi ro chặt hơn…”, ông Long cho biết.

“Dưới góc độ ngân hàng thương mại, tôi nhận thấy thời gian hoạt động ban đầu không thể mong đợi nhà đầu tư cá nhân tham gia TTCK phái sinh, mà chủ yếu trông chờ vào nhà đầu tư tổ chức, trong khi lợi ích của nhà đầu tư tổ chức khi tham gia thị trường này lại chưa rõ ràng, thì liệu có thu hút được họ tham gia…”, đại diện một tổ chức tín dụng đặt câu hỏi.

Từ câu hỏi trên, ông Long cho rằng, chứng tỏ nhận thức của nhà đầu tư về TTCK phái sinh còn rất hạn chế, nên hoạt động truyền thông, đào tạo sẽ tiếp tục được tăng cường thời gian tới. Ngoài là công cụ phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình đầu tư, tham gia TTCK phái sinh, các tổ chức đầu tư còn có cơ hội kiếm lời thông qua hoạt động đầu tư cũng như cung cấp các sản phẩm, dịch vụ.     

Tại Hội thảo, từ những chia sẻ của GS. Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học VIASM và GS. Henri Berestycki, nguyên Giám đốc Trung tâm Toán Tài chính tại Đại học Chicago (Hoa Kỳ) về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu ứng dụng toán học vào các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong ngành tài chính, ngân hàng, một số tổ chức đầu tư, định chế tài chính đã đặt hàng các chuyên gia toán về hướng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao các kết quả nghiên cứu để giúp họ thiết lập hệ thống quản trị rủi ro tối ưu, cũng như phát triển các sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh cao trên TTCK phái sinh.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục