Triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 phát triển bền vững

(ĐTCK) Sáng 7/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam và Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh của Hợp tác Phát triển Việt - Đức tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 phát triển bền vững

Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh chủ trì với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ ngành, đại diện các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Liên hợp quốc,các đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan phát triển quốc tế tại Việt Nam.

Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nội dung Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 bao gồm 17 mục tiêu chung, 115 mục tiêu cụ thể,  các nhiệm vụ chủ yếu được phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn 2017 -2020 và 2012 -2030 cùng các chỉ tiêu giám sát đang được xây dựng.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kế hoạch hành động nhấn mạnh vai trò của tất cả các bên liên quan từ các bộ ngành, địa phương, đến các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc trực tiếp tham gia, đóng góp tiếng nói và hành động vào việc thực hiện các mực tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến 2030.

Bên cạnh đó, đại diện các Bộ ngành cũng đưa ra định hướng triển khai Kế hoạch hành động chi tiết.

Hội nghị cũng là dịp để các đại biểu thảo luận những khó khăn thách thức trong việc triển khai và đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động, huy động sự tham gia và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, trong thời gian tới, để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia, Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách nhằm đảm bảo khi pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Kế hoạch hành động và các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về mục tiêu này.

Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao để phục vụ quá trình phát triển đất nước, lống ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các chính sách, chương trình hành động của các bộ ngành, địa phương, huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phát triển bền vững là nhiệm vụ của toàn Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành, và của từng doanh nghiệp, người dân.

Quá trình thực hiện Kế hoạch hành động đòi hỏi phải có phân công trách nhiệm rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành, giữa Chính phủ và người dân, giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế; đồng thời phải tăng cường tính công khai minh bạch, đảm bảo cho tất cả các bên liên quan đều có thể giám sát được.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để giúp Việt Nam tận dụng được các cơ hội và vượt qua thách thức, đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Đại diện cho Liên hợp quốc tại Việt Nam, Điều phối viên thường trú Kamal Malhotra nhấn mạnh: “Thông điệp chủ chốt “không để ai bị bỏ lại phía sau” là trọng tâm trong hành động của Việt Nam và điều này sẽ không đạt được nếu không huy động và tìm kiếm sự tham gia rộng rãi của Chính phủ, các đối tác phát triển song và đa phương, các tổ chức chính trị xã hội và cũng như các nhóm khác đại điện cho quyền lợi của người dân theo cách tiếp cận “toàn quốc gia” trong quá trình thực hiện và báo cáo”.

Ông Malhotra cũng khẳng định cam kết của Liên hợp quốc trong phối hợp với Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động, cụ thể thông qua Kế hoạch chiến lược chung giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 được ký kết vào ngày 5 tháng 7 vừa qua.

Về phần mình, ông Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam chia sẻ, trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình, Chính phủ Đức đã coi Chương trình nghị sự 2030 cũng như các  chính sách về khí hậu và năng lượng là một trong những lĩnh vực trọng tâm.

Ông Christian Berger đánh giá Kế hoạch hành động là “công cụ quan trọng hướng tới tăng trưởng kinh tế cân bằng, hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”; đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ chiến lược của Chính phủ Đức với Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh của Hợp tác Phát triển Việt - Đức và thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 bao gồm 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2015.

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục