Ngày 28/6, Tổng cục Thuế vừa có công điện số 05/CĐ-TCT gửi các cục thuế trên cả nước về việc thực hiện áp dụng mức thu lệ phí trước bạ mới đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020.
Cùng ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung môt số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết ban hành của Hội đồng Nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước hết ngày 31/12/2020.
Để thực hiện Nghị định này, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế chỉ đạo các Chi cục Thuế trên địa bàn tỉnh kịp thời áp dụng mức thu lệ phí trước bạ mới nhằm kích thích tiêu dùng trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-TTg ngày 29/5/2020.
Mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại xe này quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP và các quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc áp dụng mức giảm lệ phí trước bạ áp dụng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020.
Trước đó, khi lấy ý kiến về dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đã nhận được 47 ý kiến tham gia, trong đó 14 ý kiến tham gia của các bộ, ngành; 27 ý kiến tham gia của các địa phương; 6 ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.
Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị định (40/47 ý kiến nhất trí hoàn toàn).
Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu về lệ phí trước bạ và tăng dần qua các năm.
Cụ thể, năm 2017 chiếm 69%; năm 2018 chiếm 69,7%; năm 2019 chiếm 74,6%. Số thu lệ phí trước bạ ôtô lắp ráp, sản xuất trong nước trung bình khoảng 16.000 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, từ tháng 12/2019, đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới.
Hiện tại, Việt Nam đã bước đầu kiểm soát được dịch, tuy nhiên tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu chững lại, rất nhiều ngành, nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước.