Triển khai ESG đem lại nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại tại Việt Nam

(ĐTCK) Chia sẻ tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/11, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Quốc tế - Ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, triển khai ESG đem lại nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Quốc tế - Ngân hàng SHB chia sẻ tại hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/11 chủ đề "ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu". Ảnh Dũng Minh.

Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển ESG lĩnh vực ngân hàng

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết, các ngân hàng lớn trên thế giới đang tiên phong trong tích hợp ESG. Đặc biệt là ở các thị trường phát triển, các ngân hàng tại Mỹ và châu Âu tiên phong trong việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh và tăng cường phát hành trái phiếu xanh, tài trợ dự án bền vững.

Nhiều quốc gia và tổ chức tài chính lớn đã thành công trong việc triển khai ESG, tạo ra những mô hình hiệu quả và bền vững. Tại châu Âu, các ngân hàng lớn như BNP Paribas và Deutsche Bank đã tích cực thúc đẩy ESG thông qua việc thiết lập các quỹ tài chính bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường. Châu Âu cũng đã đưa ra quy định về EU Taxonomy, một khung pháp lý để phân loại các hoạt động kinh tế bền vững. Điều này giúp các ngân hàng xác định và báo cáo minh bạch về hoạt động ESG của mình.

Tại Hoa Kỳ, các ngân hàng như Bank of America và JPMorgan Chase, đã đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo và xây dựng các quỹ đầu tư có trách nhiệm xã hội. Việc này không chỉ tạo ra lợi nhuận kinh tế mà còn giúp tăng cường uy tín và sự tin cậy từ khách hàng và nhà đầu tư.

Tại khu vực châu Á, các ngân hàng tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã bắt đầu áp dụng ESG trong hoạt động, tập trung vào tài trợ dự án xanh và quản lý rủi ro môi trường.

Đơn cử như DBS Bank của Singapore đã triển khai nhiều sáng kiến ESG thông qua việc tài trợ các dự án xanh và thiết kế các sản phẩm tài chính bền vững. Nhật Bản, thông qua các ngân hàng lớn như Mizuho và Sumitomo Mitsui, đã phát triển những chính sách tài trợ dựa trên cơ sở quản lý rủi ro khí hậu và bền vững.

Đối với Việt Nam, tại COP26, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Chính phủ và NHNN đã ban hành chiến lược, các quy định về môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Ảnh Dũng Minh.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, triển khai ESG đem lại nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại Việt Nam, bao gồm việc thu hút vốn đầu tư và gia tăng uy tín thương hiệu. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức liên quan đến chi phí đầu tư ban đầu, sự thay đổi quy định, và các yêu cầu quản trị chặt chẽ từ các nhà đầu tư và đối tác quốc tế. Do đó, các ngân hàng cần có chiến lược cụ thể để tận dụng các cơ hội và giảm thiểu các rủi ro tiềm tàng.

Thực tiễn thực hành ESG tại SHB

Chia sẻ kết quả triển khai ESG tại SHB, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết, với tầm nhìn trở thành ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực phát triển bền vững tại Việt Nam, tích hợp các tiêu chuẩn ESG vào thực tiễn mọi hoạt động, góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh, xã hội công bằng và quản trị minh bạch, SHB đã triển khai Khung mô hình phát triển bền vững. Đây là lộ trình chuyển dịch gồm nhiều cấu phần bao gồm tích hợp các phân tích, vận hành ESG vào từng nhóm hoạt động từ quản trị, chiến lược, quản trị rủi ro đến dữ liệu và báo cáo công bố thông tin.

Trong quá trình triển khai ESG, SHB đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngân hàng luôn chủ động phát triển sản phẩm, đầu tư cho vay các dự án thuộc các lĩnh vực xanh. Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh chiếm 10%/ tổng dư nợ cấp tín dụng (gần 50 nghìn tỷ đồng) và tham gia vào các dự án phát triển bền vững của các tổ chức phát triển quốc tế (nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng).

SHB rất tích cực triển khai, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng chính quyền, khách hàng và người dân với nhiều chương trình, sản phẩm với ưu đãi. Đồng thời, SHB cũng đồng hành cùng chính sách quốc gia và các hoạt động an sinh xã hội thông qua đóng góp tích cực cho các chương trình xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ các khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai; tích cực đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục và thể thao…

Ngân hàng đã áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp minh bạch và có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn, thông lệ tốt nhất, nhằm đảm bảo tính bền vững trong mọi hoạt động của ngân hàng. Các thông tin về kết quả hoạt động được công khai, minh bạch tới nhà đầu tư, cổ đông và khách hàng. SHB cũng đã tích hợp ESG vào một số quy trình ra quyết định và quản trị doanh nghiệp (Ban hành bộ quy định, quy trình về về đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng).

Thực hành ESG, nhiều ngân hàng tiên phong mang lại kết quả tích cực.

Kiến nghị chính sách

Tại Hội thảo, đại diện SHB cho rằng, để tăng cường thực hành ESG trong ngân hàng hiệu quả, cần nhiều yếu tố.

Trong đó, vai trò của Chính phủ là yếu tố đầu tiên để triển khai thành công ngân hàng xanh, tài chính bền vững, thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ, ban hành các quy định về tài chính bền vững. Do đó, SHB đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng một bộ khung quy định cụ thể về ESG, bao gồm các tiêu chí đánh giá và yêu cầu báo cáo minh bạch, để hướng dẫn các ngân hàng trong quá trình triển khai ESG. Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tài chính công bố báo cáo ESG định kỳ, đảm bảo tính minh bạch và khả năng so sánh giữa các ngân hàng, ban hành cơ chế khen thưởng, khuyến khích dành cho các tổ chức tín dụng đạt kết quả tốt.

Các chính sách, chương trình hỗ trợ tài chính cũng cần được thực hiện để khuyến khích tài chính xanh và các sản phẩm bền vững, ví dụ như các chương trình hỗ trợ tài chính như ưu đãi về thuế hoặc giảm phí đối với các dự án và sản phẩm tài chính xanh của ngân hàng, thiết lập một quỹ quốc gia hỗ trợ các ngân hàng trong việc đầu tư vào công nghệ xanh, hệ thống quản lý ESG và các dự án phát triển bền vững khác.

Ngoài ra, đại diện SHB kiến nghị, trong sản phẩm tài chính, Ngân hàng Nhà nước nên khuyến khích các ngân hàng phát triển các sản phẩm tài chính mới, chẳng hạn các khoản vay gắn liền với hiệu suất ESG hoặc trái phiếu xanh.

Đồng thời, với vai trò điều phối và giám sát cần thiết lập cơ chế giám sát, NHNN cần xây dựng các cơ chế giám sát cụ thể để đảm bảo việc thực thi ESG của các ngân hàng, từ đó có thể đánh giá mức độ tuân thủ và hiệu quả triển khai. Hỗ trợ hướng dẫn và tư vấn, NHNN có thể đóng vai trò hỗ trợ các ngân hàng bằng cách cung cấp hướng dẫn chi tiết và tư vấn về cách thức triển khai các quy định và chiến lược ESG một cách hiệu quả.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục