Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Lo về nguồn vốn đầu tư thêm

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh tỏ ra băn khoăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mới là rất lớn.
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cần rất nhiều vốn để đầu tư. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cần rất nhiều vốn để đầu tư.

Cơ sở hiện tại có đủ đảm bảo chất lượng? 

Trao đổi với báo giới, ông Phạm Hồng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới không làm phát sinh cơ sở vật chất các trường phổ thông.

“Có thể yên tâm về cơ sở vật chất ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, riêng với tiểu học từ năm 2014, Bộ đã chỉ đạo hỗ trợ những vùng khó khăn từ vốn ODA, đầu tư từ Chính phủ nhằm nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp từ 61,5% (năm 2014) lên 72,2% ở thời điểm hiện tại”, ông Phạm Hồng Anh nói.

Cũng theo ông Phạm Hồng Anh, số phòng học/lớp học cấp tiểu học đã đạt 0,93 phòng học/lớp, nghĩa là chỉ khoảng 10% cơ sở giáo dục tiểu học không đảm bảo đủ học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, phải tới năm học 2020 - 2021, chương trình mới được đưa vào thực hiện đầu tiên ở khối lớp 1, nên vẫn còn thời gian để chuẩn bị.

Tuy nhiên, điều mà đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo tỏ ra băn khoăn nhất là nguồn đầu tư để đảm bảo đạt chất lượng cho chương trình này là rất lớn.

“Chương trình dù có hiện đại đến mấy mà không có các điều kiện đồng bộ thì cũng khó thành công”, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ thẳng thắn bày tỏ.

Cần hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư

Ông Nguyễn Minh Tường cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã tiến hành rà soát và đánh giá tổng thể về thực trạng thừa thiếu giáo viên và tham mưu với UBND tỉnh.

Theo thống kê, Phú Thọ hiện còn thiếu hơn 1.000 giáo viên phổ thông, riêng tiểu học thiếu hơn 800 giáo viên các môn văn hóa, trong đó thiếu hơn 400 giáo viên tiếng Anh, tin học - những môn từ tự chọn hiện nay chuyển sang bắt buộc với cấp tiểu học khi thực hiện chương trình mới.

“Với số liệu rà soát trên, đi cùng tổng nhu cầu kinh phí cần để đầu tư cho cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để triển khai trong giai đoạn 2018 - 2024, theo tính toán, con số cần đầu tư của Phú Thọ đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Trong đó, chúng tôi ưu tiên đầu tư cho cấp tiểu học trước và lớp 1 năm học 2020 - 2021 vì chúng tôi cần phải bổ sung xây dựng 436 phòng học, 228 phòng máy tính và hơn 5.500 máy vi tính. Đối với Phú Thọ thì số kinh phí đó rất lớn so với thu ngân sách của tỉnh”, ông Tường nói.

Trong khi đó, với tỉnh Điện Biên, nơi còn nhiều phòng học tạm, số lượng phòng học, trang thiết bị dạy học còn thiếu so với quy định hiện nay, thì với yêu cầu của chương trình giáo dục mới lại càng khiến câu chuyện đầu tư  trở nên nan giải. 

“Hiện nay, vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 của Điện Biên không còn. Ngân sách sự nghiệp thì đa số chỉ chi lương, chi thường xuyên, còn nguồn xã hội hóa gần như không có”, ông Lê Văn Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên bày tỏ.

Do đó, ông Quý mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ ngoài chương trình kiên cố hóa trường lớp học hiện nay, thì nên có một lượng kinh phí để hỗ trợ các tỉnh để tiếp tục kiên cố hóa các trường lớp học, hệ thống cơ sở vật chất khác nhằm phục vụ việc dạy học theo chương trình mới. 

Từ thực tế kinh phí đầu tư cho giáo dục ở địa phương, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đầu tư của thành phố, của quận/huyện là đầu tư công, nên cần có thời gian để triển khai.

“Việc rà soát, ban hành tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất các phòng học bộ môn là điều Bộ nên làm ngay để các địa phương có căn cứ đề xuất chuẩn bị các điều kiện cho phù hợp chương trình mới”, ông Dũng kiến nghị.

Một vấn đề nữa, cũng được đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo nhắc đến, đó là nhân sự để đáp ứng chương trình mới.

Theo thống kê, chỉ tính riêng nhu cầu sử dụng theo định mức quy định hiện nay, số giáo viên còn thiếu ở bậc mầm non đã là 43.732 người, tiểu học là 18.953, THPT là 3.161 người. Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại, toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS một số môn, nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên ở môn khác.

Do đó, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Bộ cần rà soát lại giáo viên xem tình trạng thừa, thiếu giáo viên ra sao, nhất là giáo viên đáp ứng đủ điều kiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bề bộn những câu hỏi khi dạy theo chương trình mới

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt câu hỏi, bố trí thế nào cho hợp lý việc dạy tích hợp liên môn. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cần kiểm soát thế nào, trong khi ngành giáo dục đang phải thực hiện việc tinh giản biên chế? Việc mua sắm trang thiết bị cần có hướng dẫn cụ thể ra sao để tránh lãng phí. Việc dạy học tích hợp môn học cũng sẽ gây ảnh hưởng cho những học sinh có nhu cầu chuyển trường…

Trần Hà
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục