Triển khai 5G: Không phát triển ồ ạt, cần xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp

(ĐTCK) Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai 5G thành công là công nghệ thâm nhập được vào cộng đồng doanh nghiệp.
Ảnh: Chí Cường

Những động lực mới thúc đẩy kinh tế số Việt Nam, những xu hướng mới, những cơ hội mới cho các ngành kinh tế và doanh nghiệp khi thương mại hoá 5G đã được thảo luận tại Hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 30/9.

Tại Hội thảo, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, nếu 4G tập trung vào dịch vụ cá nhân, hộ gia đình thì 5G hướng tới nhóm doanh nghiệp, nhà máy sản xuất thông minh… Đặc tính của 5G là giúp các thiết bị tự động sản xuất chính xác, thông minh… như trong các quá trình sử dụng AI để kiểm soát chất lượng sản phẩm, giám sát công việc, đo đạc trong các hầm mỏ…

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông

“Đặc tính của 5G là hướng tới nhóm doanh nghiệp, nhà máy… nên việc phủ sóng rộng phải có lộ trình, bởi các doanh nghiệp viễn thông khi triển khai có thể tốn hàng tỷ USD để đầu tư, trong khi nhu cầu chưa gấp rút, mức độ sử dụng cũng chưa rộng rãi”, ông Trần Minh Tuấn nhấn mạnh và cho biết thêm, nhiều nước trên thế giới có nhiều cách thức triển khai. Một số quốc gia như Thuỵ Điển, Na Uy… chỉ phủ tại các nơi thực sự có nhu cầu để cung cấp dịch vụ tập trung.

“Việc triển khai 5G phụ thuộc vào nguồn lực của doanh nghiệp, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp để triển khai cho hiệu quả, không phải triển khai một cách ồ ạt”, ông Trần Minh Tuấn cho biết.

Từ phía đơn vị viễn thông và là nhà cung cấp dịch vụ 5G, ông Nguyễn Đình Tuấn, Thành viên, Hội đồng thành viên, Tổng công ty Viễn thông MobiFone chia sẻ, tương tự 3G và 4G, 5G cũng là hạ tầng số, nhưng 5G có các đặc điểm là tốc độ cao, băng thông rộng, độ trễ thấp, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng công nghệ tiên tiến để phát triển, tạo ra giải pháp cho chính mình.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Thành viên, Hội đồng thành viên, Tổng công ty Viễn thông MobiFone

“Với sự phát triển của thị trường Việt Nam hiện nay, đúng là có những ứng dụng 4G đã giải quyết được rồi, nhưng thị trường vẫn đòi hỏi phát triển 5G? Vì 5G là giải pháp cho các sản phẩm - dịch vụ yêu cầu tốc độ cao như xe tự lái, công nghệ AI giám sát sản phẩm trong quá trình sản xuất – kinh doanh… Phát triển 5G vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Đầu tiên, với doanh nghiệp viễn thông, triển khai 5G như thế nào và khai thác một cách hiệu quả là thách thức lớn. Ví dụ, với 2G, chỉ cần 20.000 trạm để phủ 100% diện tích Việt Nam; 3G cần 30.000 – 35.000 trạm; 4G cần khoảng 40.000 – 60.000 trạm là có thể phủ 100%, nhưng 5G cần vài trăm nghìn trạm, thậm chí hàng triệu trạm. Theo đó, để có mạng 5G phục vụ cho xã hội là thách thức rất lớn. Trong khi đó, không phải dịch vụ nào cũng cần 5G, chính vì thế chúng tôi sẽ tập trung triển khai 5G tại các khu vực khách hàng có nhu cầu sử dụng”, ông Nguyễn Đình Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh câu chuyện đầu tư phát triển mạng lưới, việc cung cấp dịch vụ 5G trên thị trường còn phụ thuộc vào nhu cầu và mức độ sử dụng của khách hàng, chủ yếu là nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Ông Trần Minh Tuấn chia sẻ, một số doanh nghiệp lớn đã sẵn sàng ứng dụng công nghệ cao, nhưng đa phần doanh nghiệp hiện nay đang ở mức độ tương đối thấp với triển khai 5G. Với các doanh nghiệp có mức độ sẵn sàng tốt, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể giới thiệu các sản phẩm, ứng dụng 5G, có thể chỉ ở một công đoạn trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh.

“Các công cụ ứng dụng 5G thường rất đắt, với doanh nghiệp mà tính sẵn sàng chưa cao thì việc ứng dụng 5G chưa phù hợp. Trước tiên, doanh nghiệp phải chuyển đổi số trong quy trình vận hành, hoạt động. Với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, việc ứng dụng 5G sẽ ở từng công đoạn”, ông Trần Minh Tuấn cho biết và nhấn mạnh, 5G cũng chỉ là một công nghệ cho phép kết nối nhanh, độ trễ thấp, nhưng bản chất phía sau là các công nghệ như AI, Cloud, Big Data… Theo đó, phải xây dựng hạ tầng số đồng bộ để cung cấp các dịch vụ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, để các công nghệ có thể ứng dụng mang tính chất tự nhiên.

Đề xuất từ phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, ông Nguyễn Đình Tuấn, Thành viên, Hội đồng thành viên, Tổng công ty Viễn thông MobiFone chia sẻ, một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai 5G thành công là công nghệ thâm nhập được vào cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, cần có những chính sách, chương trình để doanh nghiệp ý thức được lợi ích của việc ứng dụng 5G.

“Kinh nghiệm từ các quốc gia triển khai 5G thành công là lượng khách hàng sử dụng 5G phải từ 20% trở lên. Điều này đòi hỏi những chính sách mạnh mẽ, ví dụ tại Singapore có các chương trình từ Chính phủ tới địa phương… Chúng tôi mong muốn có các chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển 5G nói riêng và thúc đẩy kinh tế số nói chung… Ví dụ nhà nước có chính sách để doanh nghiệp có thể triển khai mạng lưới một cách nhanh nhất, các trạm 5G gấp nhiều lần so với 4G nên có thể phát triển chính sách chia sẻ trạm viễn thông giữa các đơn vị…”, ông Tuấn cho biết.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục