Kinh tế số tăng trưởng 20%, quy mô thị trường hướng tới Top 3 ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam ở mức cao, khoảng 20%/năm, tương đương gấp 3 lần mức độ tăng trưởng GDP. Đặc biệt với thương mại điện tử, tốc độ tăng trưởng rất nhanh, đứng thứ nhất trong khu vực ASEAN.
Kinh tế số tăng trưởng 20%, quy mô thị trường hướng tới Top 3 ASEAN

Tốc độ tăng trưởng cao

Ngày 30/9, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam”, ghi nhận thông tin cập nhật về những động thái mới trong phát triển hạ tầng số, hệ sinh thái số và kinh tế số Việt Nam.

Trước câu hỏi: Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP. Vậy đến thời điểm này, kinh tế số đóng góp bao nhiêu và tương quan trong khu vực đang ở mức độ nào? Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, khái niệm kinh tế số đã trải dài trong 20-30 năm nay.

Vào những năm 2000, khái niệm kinh tế số tập trung vào ngành ICT, dựa trên phân loại của Liên hợp quốc về công nghiệp công nghệ thông tin. Dần dần theo thời gian, kinh tế số lan toả vào các ngành, lĩnh vực. Những doanh nghiệp như Grab đã đưa công nghệ số thẩm thấu vào ngành giao thông vận tải, tạo nên kinh tế chia sẻ… Một diễn biến thúc đẩy kinh tế số là đại dịch Covid diễn ra, các hoạt động như mua bán, gặp gỡ bị những giới hạn, từ đó thương mại điện tử phát triển hơn. Sau đại dịch, thương mại điện tử đã ăn sâu vào hành động hàng ngày, và đó là kinh tế số. Do vậy, khái niệm kinh tế số mở tiếp lên thương mại điện tử, các ngành du lịch, giao thông thông minh…

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Chí Cường

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Chí Cường

Tính tới thời điểm hiện nay, kinh tế số tiếp tục lan toả tới các ngành, lĩnh vực. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2023, kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP. Trong đó, ngành ICT chiếm khoảng gần 60%, kinh tế số ngành/lĩnh vực chiếm hơn 40%. Tuy nhiên, kinh tế số tại các ngành/lĩnh vực sẽ tiếp tục tăng trưởng và chúng ta sẽ có những mô hình kinh tế mới. Kỹ năng số của người dân cũng ngày càng tốt nên ứng dụng kinh tế số mới như các ứng dụng hợp đồng điện tử, họp trực tuyến… sẽ ngày càng tăng, làm tăng tỷ trọng của kinh tế số ngành/lĩnh vực, hay gọi là số hoá ngành kinh tế.

“Hiện nay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam ở mức cao, khoảng 20%/năm, tương đương gấp 3 lần mức độ tăng trưởng GDP. Đặc biệt, với thương mại điện tử, tốc độ tăng trưởng rất nhanh, đứng thứ nhất trong khu vực ASEAN. Hiện nay quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Sự hấp thụ của người Việt Nam đối với các lĩnh vực kinh tế số ngày càng tăng và chúng tôi cũng hướng tới Top 3 trong khu vực ASEAN về kinh tế số”, ông Tuấn cho biết.

Là một trong những doanh nghiệp đã thúc đẩy các dịch vụ số trên phạm vi quốc tế, trong đó có thị trường Việt Nam, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam chia sẻ, nếu nhìn lại lịch sử 10 năm của Grab tại Việt Nam, đã có sự chuyển đổi và chấp nhận nhanh chóng đối với các dịch vụ số trong những năm qua.

“Thời điểm mới xuất hiện, Grab rất khó khăn khi phải thay đổi thói quen của người dùng, phải thuyết phục khách hàng mua/sử dụng điện thoại thông minh, tải ứng dụng, sử dụng dịch vụ số… Nhờ tính an toàn, minh bạch về giá và sự thuận tiện, Grab đã cung cấp dịch vụ phù hợp cho người dùng và mở rộng sản phẩm sang Grab Car, kết nối các cửa hàng, giao thực phẩm, giao hàng… Nhân viên của chúng tôi đã dành nhiều thời gian trên thực địa để tìm hiểu thách thức mà các đối tác gặp phải, xác định cơ hội, cải thiện và hoàn thiện sản phẩm – dịch vụ của mình”, ông Alejandro Osorio cho biết.

Ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam. Ảnh: Chí Cường

Ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam. Ảnh: Chí Cường

Nhận định về tiềm năng thị trường, theo Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, quá trình phát triển và mở rộng của Grab tại thị trường Việt Nam khá nhanh chóng nhờ dân số trẻ, ưu tiên di động… Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập còn khá thấp, bởi 80% dân số Việt Nam sống bên ngoài các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

“Chúng tôi tập trung vào việc thúc đẩy khả năng tiếp cận. Grab đang hoạt động tại 50 thành phố, nhưng tỷ lệ thâm nhập vẫn còn khá thấp ở những thị trường đó. Vì vậy, chúng tôi phải tiếp tục làm cho các dịch vụ của mình trở nên thuận tiện, có mức giá phù hợp… , Tiềm năng vẫn còn đó, nhưng có rất nhiều việc phải làm để nâng cao nhận thức, tạo lòng tin, giúp những người chưa am hiểu và nhận thức về công nghệ hiểu được những lợi ích mà họ có thể nhận được từ một nền kinh tế số”, ông Alejandro Osorio cho biết.

Cần cách tiếp cận toàn diện

Chia sẻ kinh nghiệm trong hành trình thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, ông George Choo, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông và Công nghệ Singapore cho biết, Singapore đã bắt đầu hành trình số từ cách đây khá lâu. Từ năm 2002, Singapore đã có sáng kiến Quốc gia thông minh để thúc đẩy chuyển đổi trên quy mô lớn: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

“Đầu tiên cần cam kết và ý chí từ chính phủ để số hoá và thu thập bản ghi quốc gia từ hồ sơ cá nhân, y bạ, các cơ quan cung cấp dịch vụ khác nhau… Thứ hai là nền kinh tế số từ dịch vụ, sản xuất, Fintech, công nghệ tai chính, văn phòng thông minh, thành phố thông minh, thanh toán… Tất cả không mang tính đơn lẻ mà tiếp cận toàn diện, chúng tôi có nhiều đơn vị tham gia, từ chính phủ tới cộng đồng doanh nhiệp hàng đầu như Google, Meta… Về AI, chúng tôi có cơ quan phụ trách trong Chính phủ từ năm 2017 để xem xét các tiến triển… Một khía cạnh khác là xã hội số, Singapore là nơi có nhiều người lớn tuổi, làm sao để thúc đẩy việc sử dụng các công cụ số mà kiểm soát được an ninh mạng, bảo vệ an sinh xã hội…”, ông George Choo nhấn mạnh.

Chia sẻ cụ thể các chính sách, ông George Choo cho biết, Singapore đã phát triển song hành cùng kinh tế số toàn cầu và chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một hành trình cần cam kết của Chính phủ. Bộ Truyền thông - Thông tin Singapore hiện tại đã đổi tên thành Bộ Phát triển số và thông tin – cho thấy sự quan trọng của chuyển đổi số. Mỗi năm, đơn vị này sẽ rà soát ngân sách và các hoạt động liên quan tới kinh tế số. Ngoài ra, Singapore cũng thành lập các tiểu ban như tiểu ban chuẩn hoá, tiểu ban AI, chính sách.., 6 tháng 1 lần sẽ họp các tiểu ban để hoạch định chính sách phát triển.

Ông George Choo Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông và Công nghệ Singapore tham dự trực tuyến trong phiên thảo luận. Ảnh: Chí Cường

Ông George Choo Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông và Công nghệ Singapore tham dự trực tuyến trong phiên thảo luận. Ảnh: Chí Cường

“Chúng tôi cũng có tiểu ban thu thập dữ liệu, Singapore có hơn 100 trung tâm dữ liệu, khi thúc đẩy chuyển đổi số thi sẽ tạo ra nhiều dữ liệu và cần trung tâm dữ liệu để lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ. Vậy thì cần chính sách phát triển trung tâm dữ liệu, quá trình đấu thầu, đầu tư trung tâm dữ liệu cần chính sách đặc thù để bắt kịp nhu cầu… Chưa kể các yêu cầu về điện, cấp nguồn làm mát, đó là các khó khăn mà chúng ta phải giải quyết.

Nhìn chung, quá trình chuyển đổi số cần sự toàn diện để nắm bắt được hết các cơ hội và thường xuyên cập nhật điều chỉnh”, ông George Choo chia sẻ.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Grab Việt Nam cho rằng, công nghệ đang phát triển rất nhanh, và nền kinh tế số cũng đang đổi mới nhanh chóng. Theo đó, đề xuất từ phía doanh nghiệp là có môi trường sandbox để đón nhận các công nghệ tiềm năng mới, các sản phẩm - dịch vụ mới dựa trên công nghệ khi chúng xuất hiện.

“Bên cạnh đó, cần thường xuyên xem xét và đánh giá lại các chính sách hiện có. Bởi vì khi công nghệ tiến bộ và các dịch vụ số đổi mới và tiến lên, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng luật pháp và quy định phù hợp với thời đại. Các bên liên quan có thể làm việc cùng nhau để tìm ra các giải pháp phù hợp trong bối cảnh này”, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục