Tre trong kiến trúc Việt

(ĐTCK) Trong các loại vật liệu kiến trúc, có lẽ tre là vật liệu gần gũi nhất với người dân Việt Nam. Những năm gần đây, các công trình kiến trúc từ tre còn góp phần quảng bá hình ảnh nước nhà ra thế giới, khẳng định vị thế của ngành kiến trúc Việt.
Tre trong kiến trúc Việt

Vật liệu ưu việt

Tre là loại cây được trồng phổ biến tại nhiều quốc gia. Việt Nam là nước có diện tích tre nứa đứng thứ 4 trên thế giới (với khoảng hơn 1,4 triệu ha), sau Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar.

Tre có thời gian sinh trưởng ngắn từ 3 - 5 năm là có thể thu hoạch, đặc biệt tre có thể tự tái tạo mà không cần trồng mới. Tre có độ bền cao với tính chất cơ học cao gấp 2 - 3 lần so với gỗ thông thường. Tre có độ bền kéo lớn hơn so với thép và chịu lực nén tốt hơn bê tông. Tỷ lệ chịu lực kéo theo trọng lượng cụ thể của tre gấp 6 lần so với thép.

Là loại vật liệu có độ bền cao, rất cứng (cứng hơn gỗ sồi 27%) nhưng lại dễ uốn, tre sở hữu nhiều đặc tính cơ học phù hợp cho xây dựng, kiến trúc hơn nhiều loại gỗ. Ở Nhật Bản, có những ngôi nhà tre có tuổi đời lên đến hơn 2 thế kỷ, một minh chứng cho tính ưu việt của vật liệu này.   

Tre được sử dụng phổ biến nhất có lẽ giai đoạn trước đổi mới, khi kinh tế khó khăn, đó là thành phần không thể thiếu để tạo nên ngôi nhà. Từ việc làm rui, mè cho đến cả cột chống.

Sau này, với sự phát triển đa dạng hơn của các loại vật liệu, tre xuất hiện ít đi trong kiến trúc, nhưng vài năm gần đây, tre xuất hiện ngày càng nhiều trở lại và trở thành loại vật liệu yêu thích, tạo nên các công trình cảnh quan độc đáo, làm ngỡ ngàng cả người dân trong nước và bạn bè quốc tế

Đánh giá về triển vọng của loại vật liệu này, đại diện Công ty TNHH

Bambu cho biết: “Khi mà lượng chất thải từ ngành công nghiệp xây dựng đang là gánh nặng với môi trường, thì vật liệu tre không tạo ra chất thải mà còn tạo ra bầu không khí trong lành cho các công trình và trở thành lựa chọn hàng đầu để bảo vệ hệ sinh thái.

Tuy nhiên ở Việt Nam, hiện vật liệu tre mới chủ yếu được sử dụng ở các vùng nông thôn hoặc các công trình công cộng như resort, nhà hàng, quán cafe... Lý do là mọi người vẫn chưa hiểu hết về các đặc tính của tre, nên vẫn còn nghi ngờ về độ bền và tuổi thọ của các công trình”.

Tre trong kiến trúc Việt ảnh 2

Nhà cộng đồng thôn Suối Rè, Hòa Bình 

Ứng dụng đa dạng

Tre nên được thu hoạch khi đủ 3 - 5 tuổi, thời điểm thu hoạch hợp lý vào cuối mùa mưa - đầu mùa khô. Bởi đặc tính ruột tre có tinh bột, thu hút nhiều loại côn trùng, nên để có được độ bền, tre phải trải qua các quy trình xử lý để tăng tuổi thọ. Biện pháp phổ biến nhất hiện nay vẫn là ngâm trong bùn ao từ 3 - 6 tháng. Ngoài ra, người ta thường áp dụng những giải pháp khác như hun khói hoặc ngâm, tiêm hóa chất, luộc tre, hong khô (sấy khô) và bảo quản nơi khô ráo.

“Hiện  tại, bản thân tre đã là một xu hướng và rất được quan tâm ở mọi tầng lớp, tre có thể biến hóa linh hoạt từ vật liệu xa xỉ cho đến dân dã gần gũi với con người, nên có thể đáp ứng được nhu cầu của mọi khách hàng. Hiện chúng tôi rất có niềm tin trong tương lai vật liệu tre có thể sánh đôi hoặc vượt trội hơn vật liệu gỗ, sắt, thép…”, đại diện Bambu cho biết.

Không chỉ là vật liệu có độ bền tốt, tre còn được biết đến như một loại vật liệu xanh, thân thiện môi trường, đảm bảo thẩm mỹ và làm tăng giá trị công trình nhờ tính địa phương của vật liệu Tre đặc biệt có ưu thế trong việc chống nóng cho công trình do đặc tính không tỏa nhiệt như bê tông. Tre giúp giảm đáng kể nhiệt độ cho công trình và đặc biệt phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam.

Đánh giá về đặc tính này của tre, kiến trúc sư Trần Quốc Việt, Phó trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: “Tre là vật liệu có cấu trúc dạng sợi, nhiều lớp đặc rỗng, nên có khả năng giảm nhiệt rất tốt cho công trình. Đây là vật liệu truyền thống và có thể sử dụng được trong nhiều vùng khí hậu”.

Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam 

Với các đặc tính trên, tre còn được sử dụng làm các vách ngăn trong, ngoài nhà giúp lưu thông không khí, giảm nhiệt độ phòng.

Tuy nhiên, tre không phải là vật liệu không có nhược điểm. Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào nhận xét: “Tre thích hợp làm vật liệu cho các công trình thấp tầng, những công trình quy mô nhỏ, mang tính tạo cảnh quan, điểm nhấn chứ không thể làm thành những công trình lớn, quy mô. Ngoài ra, dùng vật liệu này cũng khá tốn năng lượng do khả năng cách âm, cách nhiệt hạn chế”.

Các công trình nổi tiếng

Có thể kể ra không ít công trình tre nổi tiếng được đánh giá cao bởi tính mỹ thuật, giải pháp thiết kế và yếu tố văn hóa bản địa.

Nhà hàng Bamboo Wing 

- Công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè, Hòa Bình, Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam (kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào). Đây là 2 trong số 6 công trình xã hội, cộng đồng do Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 thực hiện, là cơ sở để Giải thưởng SIA-GETZ vinh danh Hoàng Thúc Hào là kiến trúc sư nổi bật châu Á năm 2016.

Tre trong kiến trúc Việt ảnh 6

- Nhà hàng Bamboo Wing, Đại Lải, Vĩnh Phúc (kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa). Đây là công trình kiến trúc duy nhất của Việt Nam được vinh danh cùng 89 công trình kiến trúc quốc tế khác nhận Giải thưởng International Architecture Award (IAA) 2011 - giải thưởng được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh những công trình kiến trúc và quy hoạch đô thị xuất sắc nhất thế giới.

Gian triển lãm bằng tre do Bambu Build thiết kế 

Tre trong kiến trúc Việt ảnh 8

- Cà phê Indochine, Kon Tum (kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa). Lấy cảm hứng từ chiếc nơm cá úp ngược, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã cho ra đời một quán cà phê đặc trưng, nổi tiếng thế giới và lọt vào top 5 công trình của năm 2014 do Tạp chí Kiến trúc ArchDaily (Mỹ) bình chọn và đề cử. Giải thưởng được quyết định bởi các nhà chuyên môn và hơn 300.000 độc giả trên toàn thế giới của Tạp chí ArchDaily cho công trình kiến trúc ấn tượng nhất của năm.

Nhà tre Trảng Bàng, Tây Ninh 

- Nhà tre Trảng Bàng - Tây Ninh (chủ nhân Đặng Văn Hảo). Được xây dựng từ năm 2008 và mất hơn 2 năm để hoàn thành. Ngôi nhà có diện tích 2.000 m2, được làm bằng vật liệu chủ yếu là gỗ và tre mua sẵn ở các vùng lân cận, trong khi đó mái nhà lợp bằng lá dừa nước, một loại cây rất phổ biến ở vùng Nam Bộ.

Năm 2012, công trình được rao bán trên tờ The Wall Street của Mỹ với giá 1 triệu USD. Nhưng để sở hữu ngôi nhà, người mua phải qua vòng phỏng vấn đặc biệt của chủ nhân về sở thích yêu thiên nhiên và lối sống thân thiện với môi trường.

Tre trong kiến trúc Việt ảnh 10

Cà phê Indochine, Kon Tum  

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Đức Thành
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục