Theo đó, TRC dự kiến đầu tư góp vốn hơn 372 tỷ đồng, trong đó đầu tư thêm 368 tỷ đồng vào công ty con Tây Ninh Siêm Riệp PTSC tại Campuchia để trông mới 1.300 héc-ta cao su. Trong trường hợp trồng mới lớn hơn 1.300 héc-ta thì số tiền đầu tư sẽ tăng lên tương ứng.
Tổng nguồn vốn hiện có của công ty con nêu trên là 692 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ chuyển sang 645,3 tỷ đồng và vay Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội chi nhánh Phnom Penh - Campuchia 46,7 tỷ đồng. Diện tích trồng cao su của công ty này hiện hơn 4.495 héc-ta trên tổng diện tích 6.157 héc-ta. Phần diện tích còn lại bị người dân xâm canh, theo quy định của Chính phủ Campuchia thì không được tiếp tục phát triển dự án. Để đẩy nhanh tiến độ (dự kiến hoàn thành năm 2016 và thu hoạch từ năm 2019), TRC xin ý kiến cổ đông tìm quỹ đất lân cận có quy mô 6.200 héc-ta (TRC đã khảo sát) để tiếp tục dự án, chi phí vẫn đảm bảo suất đầu tư đã được phê duyệt. Quy mô này mới phù hợp cho Công ty mở một nhà máy chế biến.
Mục tiêu đến năm 2018, TRC sẽ xây dựng nhà máy chế biến cao su công suất 10.000 tấn, sản phẩm dự kiến là mủ tờ, hoặc mủ SVR 10, SVR 20. Hiện giá thành sản xuất mủ tờ thấp hơn 20% so với mủ SVR 3L, nhưng giá bán lại cao hơn nên Công ty quyết định mở rộng đầu tư nhà máy chế biến.
Hiện TRC có 8 dự án, trong đó 4 dự án trồng cao su và làm gỗ, 4 dự án đầu tư ngoài ngành. Kế hoạch đầu tư chỉ còn 2 dự án là dự án ở Campuchia và Lào Cai, dự kiến hoàn thành trong năm nay, đồng thời TRC có kế hoạch thoái vốn toàn bộ 4 dự án đầu tư ngoài ngành.
Năm 2015, TRC đặt kế hoạch 446,87 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế hơn 40 tỷ đồng (năm 2014 đạt 161 tỷ đồng), cổ tức 15%. Năm nay, Công ty phấn đấu giá thành tiêu thụ thấp hơn 30 triệu đồng/tấn và giá bán bình quân cao hơn 31 triệu đồng/tấn. Trong quý I vừa qua, giá bán bình quân là 32 triệu đồng/tấn, mức giá hoà vốn là 30 triệu đồng/tấn. HĐQT TRC kỳ vọng, giá bán từ giữa năm 2015 sẽ cải thiện hơn, từ đó cài thiện chi trả cổ tức cho cổ đông.