
Doanh nghiệp được trao quyền chủ động trong việc ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm và kế hoạch kinh doanh hằng năm, trong huy động vốn, theo Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới nhất.
Ngày 14/4, Chính phủ đã có tờ trình mới về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp chiều 17/4.
Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2024), sau đó nhiều nội dung đã được chỉnh lý, hoàn thiện, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Các nguyên tắc được đảm bảo khi tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo là Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp, bình đẳng như các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý điều hành của người quản lý doanh nghiệp.
Cùng đó là nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Theo đó, nhiều điều, khoản tại Dự thảo mới nhất đã thể hiện tinh thần này. Chẳng hạn, điều 19 Dự thảo quy định doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn, trường hợp huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì doanh nghiệp được chủ động quyết định nhưng phải gửi thông tin cho cơ quan đại diện chủ sở hữu để giám sát. Chính phủ quy định về các nội dung, tiêu chí để cơ quan đại diện chủ sở hữu giám sát, cảnh báo.
Đây là nội dung tăng cường phân quyền và tăng tính chủ động cho doanh nghiệp so với Luật số 69/2014/QH13, chuyển từ tiền kiểm (phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt như quy định tại Luật số 69/2014/QH13) sang hậu kiểm, Chính phủ giải thích.
Về hoạt động đầu tư, Điều 20 Dự thảo quy định đối với dự án đầu tư sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công; đối với dự án đầu tư thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định dự án đầu tư sau khi hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đây là nội dung phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án sau khi cấp có thẩm quyền quyết định/phê duyệt chủ trương đầu tư mà không phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt (trường hợp vượt thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty) như quy định hiện nay của Luật số 69/2014/QH13.
Về chuyển nhượng dự án đầu tư, vốn đầu tư của doanh nghiệp, tại Điều 21 Dự thảo bổ sung nguyên tắc không bị hạn chế bởi điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo pháp luật chứng khoán nhằm đảm bảo công khai minh bạch, theo đó sẽ không gặp vướng mắc khi đấu giá công khai để thoái vốn đầu tư tại doanh nghiệp có lỗ lũy kế, có quy mô vốn nhỏ dưới 30 tỷ...
Nội dung chỉnh lý cũng trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm và kế hoạch kinh doanh hằng năm, phân cấp hơn so với Luật số 69/2014/QH13 (do Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt), khắc phục tình trạng chậm trễ trong phê duyệt chiến lược và kế hoạch hiện nay.
Theo đó, Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty chủ động ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm, kế hoạch kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp; đại diện chủ sở hữu nhà nước (Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu) phê duyệt mục tiêu, định hướng và một số chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược kinh doanh 5 năm, một số chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch kinh doanh hằng năm theo quy định của Chính phủ. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu do đại diện chủ sở hữu giao sẽ là một trong những căn cứ để đánh giá, xếp loại doanh nghiệp và người đại diện.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Tờ trình nêu rõ, tại Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 29/3/2025, Thường trực Chính phủ có ý kiến đề nghị quy định thời điểm hiệu lực của Luật từ ngày 1/7/2025 để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực của doanh nghiệp. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025, dự thảo Luật cần được ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn. Do vậy, tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 11/4/2025, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành dự thảo Luật trên cơ sở xác định là “trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn” theo quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, nếu chuyển sang trình tự thủ tục rút gọn sẽ mất thêm thời gian, thủ tục để thực hiện. Vì vậy, Thường trực cơ quan thẩm tra kiến nghị thời gian luật có hiệu lực từ ngày 1/8/2025 và điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 9 để luật được thông qua.
"Hiện nay là bối cảnh đặc biệt thì Luật có thể có hiệu lực ngay, theo trường hợp đặc biệt", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.