Thị trường cần “tín nhiệm”
Anh Tuấn, một nhà đầu tư cho biết, lâu nay, anh chỉ quen đầu tư cổ phiếu. Gần đây, khi anh bắt đầu tìm hiểu về kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì thấy có không ít rủi ro vì tính minh bạch không cao. Vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh xảy ra càng khiến anh rụt rè hơn với “vùng đất mới” này.
Trong khi đó, một chuyên viên quản lý quỹ nêu quan điểm, Việt Nam đã mất cả chục năm trời để mở đường cho thị trường trái phiếu phát triển. Các động thái siết lại quản lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây là cần thiết, để thị trường phát triển lành mạnh và đi đúng hướng.
Nhà đầu tư cũng không nên vì thế mà mất lòng tin vào trái phiếu doanh nghiệp, rời bỏ thị trường, không nên vì một vài sự việc mà có cái nhìn phiến diện, thậm chí cực đoan về trái phiếu.
“Đáng ra phải mừng vì những hành động quyết liệt của cơ quan quản lý nhằm góp phần làm thị trường trong sạch hơn thì nhiều người lại hoang mang thái quá. Không lẽ công an bắt trộm ở chợ mà người ngay cũng sợ và bỏ chợ đi về. Điều này là không nên”, vị này nói và cho biết thêm, hiện nhiều nhà đầu tư, các quỹ đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên, rào cản khiến họ còn e dè phần vì quy mô thị trường còn nhỏ, phần khác vì tính minh bạch chưa cao. Nếu làm tốt công tác xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp có thể gỡ được nút thắt trong thu hút dòng vốn ngoại vào kênh này.
Còn theo anh Công, nhân viên tư vấn đầu tư của một công ty chứng khoán ở Hà Nội, hiện tại, công ty anh vẫn đẩy mạnh môi giới trái phiếu. Anh Công cho biết, việc siết như vừa rồi thì nhiều nhà đầu tư cũng hoang mang. Tuy nhiên, những nhà đầu tư chuyên nghiệp và dày dạn kinh nghiệm thì vẫn lựa chọn đầu tư ở kênh này.
“Các vụ việc vừa rồi cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tốt, có sức khỏe tài chính mạnh, phát triển ổn định, bài bản, có uy tín và giữ đúng cam kết. Điều này sẽ càng trở nên thuyết phục hơn nếu trái phiếu nhóm này có thêm phần xếp hạng tín nhiệm, bởi càng doanh nghiệp làm tốt thì họ càng tự tin với các thử thách minh bạch”, anh Công nói.
Nâng tầm khối nội
Vai trò của các công ty xếp hạng tín nhiệm là không phải bàn cãi, nhất là với các thị trường tài chính non trẻ, tính minh bạch chưa cao như ở nước ta.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây vẫn chủ yếu là sân chơi của doanh nghiệp nước ngoài. Bối cảnh hiện tại, cũng như những gì mà thị trường vừa trải qua thời gian gần đây càng cho thấy sự cần thiết của các công ty nhóm này.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm là Saigon Ratings và FiinRatings.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, trong quá khứ, các công ty tư nhân chưa được tham gia vào lĩnh vực này vì lo ngại năng lực không đủ, dẫn đến những đánh giá không chính xác và gây nhiễu loạn thông tin.
Tuy nhiên, việc mở cánh cửa cho sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp trong nước là điều nên cổ vũ, bởi lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng cho thị trường tài chính, giúp nâng cao nhận thức cho thị trường. Tuy nhiên, cũng cần có tiêu chuẩn, rào cản để doanh nghiệp chỉ tham gia khi đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật.
“Sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào lĩnh vực này cũng rất tốt. Còn nếu bắt tay được khối ngoại thì còn tốt hơn nữa vì có thể tận dụng được thế mạnh công nghệ, kỹ thuật, nhân sự, phương pháp và kinh nghiệm của khối ngoại, giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước và có lợi cho thị trường chung”, ông Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng, hiện thị trường đã có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm “thuần Việt”. Trước mắt, yêu cầu đặt ra là bản thân các công ty cung cấp dịch vụ định hạng tín nhiệm trong nước phải nâng cao năng lực để đáp ứng tốt yêu cầu nghiệp vụ.
Cùng với đó, thị trường cũng cần có thêm các công ty khác để nâng cao tính cạnh tranh. Nên cân nhắc cho phép các tổ chức nước ngoài tham gia để phát triển thị trường hiệu quả hơn.
“Nếu kết hợp được hai yếu tố nội - ngoại là rất tốt, giúp năng lực thẩm định được nâng cao. Còn riêng với tổ chức xếp hạng tín nhiệm ngoại thì nên cân nhắc cho các thương vụ lớn, vì việc làm này liên quan nhiều đến khâu thẩm định, minh bạch thông tin và mất nhiều thời gian”, ông Lực đánh giá.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong khi thị trường tài chính cần có sự chỉnh đốn mạnh mẽ để tạo nên một thị trường minh bạch, ổn định và bền vững, thì sự đóng góp của các công ty xếp hạng tín nhiệm là rất quan trọng và được thị trường quan tâm.
Trong khi đó, theo đại diện của Saigon Ratings, đơn vị này đã và đang thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ đánh giá xếp hạng lần đầu và giám sát cập nhật hàng năm cho 10 khách hàng doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong nước và FDI. Trong thời gian tới, dự kiến Saigon Ratings tiếp tục công bố thông tin về kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm cho khoảng 10 - 15 tổ chức phát hành trên thị trường.
Để đáp ứng tốt đòi hỏi từ thị trường, Saigon Ratings và đối tác hợp tác đào tạo quốc tế đang khẩn trương chuẩn bị tổ chức khoá đào tạo nghiệp vụ xếp hạng tín nhiệm quốc tế, đầu tiên vào đầu tháng 5/2022, cho đội ngũ nhân sự chuyên môn Saigon Ratings. Các khóa đào tạo thứ 2 và thứ 3 sẽ diễn ra trong các năm tiếp theo.
Cùng với đó, Saigon Ratings đang trong quá trình đàm phán với một đối tác tổ chức dữ liệu lớn và có uy tín hàng đầu của thế giới nhằm phục vụ nhu cầu cung cấp nguồn thông tin dữ liệu lớn, cho thị trường tài chính Việt Nam trong thời gian tới.
Đầu tháng 4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trị giá 10.030 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), CTCP Cung điện Mùa Đông (Công ty Cung điện Mùa Đông), CTCP Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil (Công ty Soleil) thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Chính phủ cũng đưa ra thông điệp rất rõ ràng về việc chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất bằng Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành.