Phù hợp hay không phù hợp?
So sánh giá SGK do Nhà xuất bản Giáo dục công bố, có thể thấy, giá SGK mới và SGK hiện hành có sự chênh lệch khá lớn. Đơn cử, SGK lớp 3 hiện hành có giá 60.000 đồng/bộ, nhưng SGK mới công bố có giá gần 200.000 đồng/bộ; SGK lớp 10 hiện hành có giá 164.000 đồng/bộ, còn SGK mới có giá khoảng 300.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách ngoại ngữ).
Việc tăng giá SGK mới trong bối cảnh thu nhập của một bộ phận người dân bị giảm sút do Covid-19 khiến nhiều ý kiến chưa đồng tình, thậm chí bức xúc. Nhiều phụ huynh học sinh và giáo viên khi được hỏi về vấn đề này cũng bày tỏ quan điểm, nếu tăng giá SGK vì sách in bằng giấy chất lượng tốt thì chưa thuyết phục.
Ông Phạm Tất Dong, nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, trong thời điểm kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, cần phải xem xét kỹ trước khi tăng giá SGK. Bên cạnh đó, vấn đề cần quan tâm là SGK có phù hợp với người sử dụng, phù hợp với điều kiện giáo dục của nước ta hiện nay hay không, liệu SGK có cần sử dụng vật liệu tốt, in đẹp để tăng giá hay không…
Đồng quan điểm, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng nhấn mạnh, SGK phục vụ đại trà, do vậy, cần lựa chọn chất liệu phù hợp, cân bằng nhu cầu của người dân.
Giải đáp băn khoăn của dư luận về việc tăng giá SGK mới, ông Hoàng Lê Bách, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, do có sự khác biệt về nguồn vốn, chi phí tổ chức, quy cách chất lượng sách, nên giá SGK được điều chỉnh tăng.
Cân bằng ra sao?
Theo Luật Giá, giá SGK mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 do doanh nghiệp, nhà xuất bản tự xây dựng, quyết định, đồng thời thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, một số chuyên gia đề xuất, có thể coi SGK là sản phẩm thiết yếu, nên Nhà nước cần quản lý giá, định giá, thậm chí phải trợ giá.
Theo ông Lê Viết Khuyến, cần có sự quản lý giá SGK một cách rõ ràng, vì đây là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, không thể “thả nổi” giá.
Một số ý kiến khác cũng chung đề xuất, không để các nhà xuất bản quyết định giá SGK theo thị trường, vì người kinh doanh thì luôn muốn bán lãi càng nhiều càng tốt. Cần phải kiểm soát giá, có khung trần cho SGK.
Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế giám sát, đặc biệt là trong quá trình doanh nghiệp kê khai giá; xem xét việc xã hội hoá SGK có nên thực hiện ở tất cả các khâu, hay chỉ ở một số khâu cần thiết để đảm bảo giá SGK phù hợp với mọi gia đình.
Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định. Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá.