Nguy cơ mất an ninh lương thực
An ninh lương thực vốn được coi là một trong những yếu tố sống còn đối với sự thành bại của việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cộng đồng.
Theo báo cáo triển vọng lương thực được Tổ chức Lương thực và nông nghiệp liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO) công bố hai lần/năm, chi phí nhập khẩu lương thực của thế giới, bao gồm cả chi phí vận chuyển, dự kiến đạt mức kỷ lục 1.715 tỷ USD trong năm 2021, so với con số 1.530 tỷ USD trong năm 2020.
Trước đó, FAO cho biết, giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 5/2021, tăng 40% so với cùng kỳ một năm trước đó. Tình hình này khiến vấn đề an ninh lương thực “nóng” tại nhiều quốc gia.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá lương thực tăng mạnh là do lượng nhập khẩu lương thực cơ bản tăng mạnh vào năm 2020 khiến chi phí nhập khẩu toàn cầu tăng lên mức kỷ lục là 3%.
Theo dự báo mới nhất của Liên hợp quốc, tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành nông nghiệp rất rộng, gây ra tình cảnh thiếu ổn định ở cấp độ chưa từng có đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
Điều này tạo ra điểm nghẽn về thị trường lao động, cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, vận tải và hậu cần. Nguy cơ mất an ninh lương thực hiển hiện rõ nhất tại các nước có giá bán lẻ cao hơn, nhưng thu nhập lại giảm vì dịch bệnh.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2020 trên thế giới có gần 2,37 tỷ người rơi vào cảnh thiếu lương thực, tăng 320 triệu người chỉ trong vòng một năm.
Trong khi đó, Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực (GNAFC) cho biết số người bị mất an ninh lương thực và cần hỗ trợ khẩn cấp cũng đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua.
Đặc biệt, tại Nam Á, do đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, dự kiến số người bị đói dự kiến sẽ tăng lên tới 330 triệu trong vòng 10 năm tới.
Liên hợp quốc đã đặc biệt kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế về vấn đề mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các nước nghèo và đang phát triển, thúc đẩy những bước tiến lớn trong việc giảm nghèo, đói, bất bình đẳng và các thách thức khác vào năm 2030.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang kéo theo khủng hoảng lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, gây ra bệnh tật và tử vong trên toàn cầu, các nhà lãnh đạo thế giới đều thống nhất cần phải thay đổi tư duy, các chính sách và mô hình kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDG) mà Liên hợp quốc đặt ra là vào năm 2030 sẽ không còn nạn đói.
Bảo đảm chuỗi cung ứng
Trong đại dịch chuyên gia của FAO khuyến cáo người dân cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh bằng thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đã chế biến được đóng gói đúng quy cách.
Ngoài ra, cũng như các tổ chức y tế, FAO khuyến cáo mọi người nên rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm ở nhà, rửa kỹ thực phẩm trước khi nấu nướng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh và nấu ăn trong gia đình.
FAO cũng khuyến khích người dân nên tri ân tất cả những người sản xuất và cung cấp thực phẩm ra thị trường như nông và ngư dân sản xuất nhỏ, lái xe, nhân viên nhà kho, người làm việc tại các chợ và siêu thị.
Đối với các nhà hoạch định chính sách, FAO khuyến cáo, cần có chính sách ứng phó phù hợp về y tế cộng đồng cũng như tiếp cận thực phẩm đủ dinh dưỡng với giá cả hợp lý.
Các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan nhà nước và khối tư nhân tại Việt Nam nên liên kết để đảm bảo các chuỗi cung ứng thực phẩm được điều phối và vận hành hiệu quả.
Cũng theo FAO, giá cả, sản lượng, mức tiêu thụ và lượng dự trữ của thị trường nên được thông tin một cách minh bạch đến mọi người dân. Điều này sẽ giảm thiểu những bất ổn của thị trường; ổn định tâm lý người mua cũng như người bán.
Cần đảm bảo cung ứng nông sản thông suốt cả trong nước và quốc tế thay vì hạn chế thương mại hoặc đưa ra các quy tắc gây trở ngại cho việc lưu thông hàng hóa bởi bất kỳ đứt gãy nào trong chuỗi cung ứng thực thực phẩm do bất cập về chính sách cũng sẽ gây khó khăn hơn cho cuộc sống người dân.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cần đảm bảo các điểm bán thực phẩm có đủ không gian đi lại; xác định rõ lối ra và lối vào cho khách hàng. Bố trí không gian riêng biệt cho thực phẩm có nguồn gốc thực vật (trái cây, rau), động vật (thịt, cá) và thực phẩm khô (như gạo, đậu).
Trên phạm vi toàn cầu theo FAO, nhằm bảo an việc cung ứng lương thực không bị đứt gãy trong đại dịch, các quốc gia cần kết nối toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng;
Thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian dựa trên nền tảng số như thương mại điện tử, số hóa và cải tiến hệ thống truy xuất nguồn gốc, dịch vụ hậu cần, vận tải, kiểm soát chất lượng an toàn dịch bệnh, rút ngắn thời gian thanh kiểm tra và thanh toán hàng hóa, giảm thất thoát lương thực trong quá trình vận chuyển.
Tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam sẽ tích cực tham gia thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực-thực phẩm toàn cầu với tư cách là quốc gia cung cấp lương thực thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại;
Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu;
Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, với một số nội dung trọng tâm: An ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.