Đảm bảo chuỗi cung ứng để hồi phục sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả hai chiều cung - cầu.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cần có quy trình phòng, chống dịch thống nhất để tránh xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Thưa ông, doanh nghiệp trong nước đã đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ở cấp độ nào trong gần 2 năm Covid-19 bùng phát?

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát cùng với tác động của các biện pháp phòng, chống dịch đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến chuỗi cung ứng hàng hóa.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương).

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương).

Hiệu ứng đầu tiên khi Covid-19 lan đến Việt Nam từ đầu năm 2020 là đã làm gián đoạn, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu. Lúc đầu, chúng ta lo ngại tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản qua biên giới Trung Quốc, nhưng sau đó là tình trạng thiếu hụt nguồn cung, do Trung Quốc là nơi cung ứng nguồn nguyên liệu bán thành phẩm cũng như thành phẩm rất lớn, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đang sử dụng nguồn cung từ Trung Quốc như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử…

Khi Trung Quốc dần khống chế được dịch bệnh, khôi phục được nguồn cung, thì dịch bùng phát rộng ở EU và Bắc Mỹ, nhu cầu tiêu dùng của thị trường suy giảm. EU và Bắc Mỹ là khu vực xuất khẩu lớn nhất mà bất kỳ quốc gia xuất khẩu nào cũng đều muốn hướng tới. Chính vì sự suy giảm đó, mà một số nhãn hàng đã có động thái giãn, hoãn hoặc ngừng nhận đơn hàng từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay là nặng nề nhất, đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam tại phía Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất, đơn hàng không thực hiện được, xuất khẩu sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Dịch bệnh đã và đang tác động trực diện tới cách thức vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến phí vận tải tăng phi mã. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu lớn của nước ta đã linh hoạt thích ứng và vượt qua khó khăn như thế nào, thưa ông?

Dịch bệnh đã đẩy chi phí vận tải biển tăng cao kỷ lục, gây ra hiện tượng mất cân bằng ở nhiều mắt xích trong chuỗi cung ứng… Nhiều cảng biển lớn tại Mỹ, EU thiếu hụt nhân công bốc xếp container, nên dù năng lực vận chuyển không giảm, nhưng năng lực thông quan hàng hóa không đáp ứng được, dẫn đến kéo dài thời gian xếp dỡ hàng hóa của tàu tại các cảng, đẩy giá cước vận chuyển tăng phi mã. Thị trường nóng nhất là Bắc Mỹ và EU, giá cước vận chuyển tăng 4 - 5 lần so với thời điểm trước khi Covid-19 xuất hiện.

Năng lực xử lý hàng hóa ở các cảng không đáp ứng nhu cầu dẫn đến tình trạng khan hiếm container rỗng, từ đó tiếp tục đẩy giá cước container tăng cao. Đáng chú ý, sự kiện tàu Ever Given bị kẹt ở kênh đào Suez (năm 2020) đã cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu. Chỉ một con tàu mắc kẹt, nhưng làm đứt đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Rất may, sự cố này diễn ra chỉ 1 tuần, nhưng nếu bị kéo dài sẽ gia tăng chi phí vượt ngoài tính toán, tạo sức ép cho nền kinh tế của nhiều quốc gia.

Suốt 2 năm qua, doanh nghiệp trong nước chịu rất nhiều tổn hại, nhưng đã kiên trì vượt khó, duy trì sản xuất, giữ chuỗi cung ứng cả trong nội địa và vươn ra xuất khẩu.

Riêng với các doanh nghiệp xuất khẩu, mặc dù phải đối mặt với khó khăn cả ở nguồn cung đứt gãy, nguồn cầu suy giảm và vận chuyển khó khăn, song xuất khẩu vẫn đạt thành tích ấn tượng. Giai đoạn quý II và quý III, đại dịch hoành hành ở các khu vực sản xuất lớn như Bắc Ninh, Bắc Giang và gần 20 tỉnh, thành phố phía Nam, nhưng tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước vẫn đạt 483 tỷ USD, tăng 24%, trong đó xuất khẩu đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2020, cho thấy nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp.

Dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng có thể thấy, tác động không mong muốn của việc đứt gãy chuỗi cung ứng do thực hiện các biện pháp chống dịch đang thấm sâu vào từng doanh nghiệp. Theo ông, cần những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, dồn sức cho chặng đường về đích cuối năm 2021 và cho cả giai đoạn tiếp theo?

Thời gian qua, có những biện pháp chống dịch có thể chưa tính hết các yếu tố tác động, chưa dựa trên cơ sở khoa học, nên đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Đơn cử, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, trong đó nêu rõ, mọi hàng hóa đều được phép lưu thông, trừ hàng cấm và hàng hạn chế kinh doanh, nhưng nhiều địa phương vẫn đặt ra quy định chỉ cho lưu thông hàng hóa thiết yếu. Hay có những biện pháp chống dịch quá đà, không thống nhất giữa các địa phương, gây ra chi phí tốn kém cho Việt Nam. Tất cả những điều đó tạo ra sự đứt gãy.

Do đó, biện pháp chống dịch cần phải tạo điều kiện để lưu thông hàng hóa, hạn chế tạo ra rào cản.

Với sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta cũng đang nỗ lực xây dựng quy trình chống dịch thống nhất, dễ hiểu, dễ áp dụng, tránh phân mảnh như hiện nay giữa các địa phương, giữa các cấp ngay trong một địa phương, giữa chính quyền từ tỉnh, thành phố đến cấp huyện, xã… Một quy trình chống dịch thống nhất sẽ giúp các địa phương, doanh nghiệp chủ động phương án phòng chống, ứng phó khi có dịch xảy ra. Theo đó, dựa trên cơ sở đã được Trung ương hướng dẫn, các địa phương, doanh nghiệp sẽ tự động áp dụng, không cần phải đợi phê duyệt, xin phép, qua đó giúp gỡ bỏ rào cản “ngăn sông, cấm chợ”, gây nên tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng như vừa qua.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục