Các nhà đầu tư đang lo ngại tắc nghẽn chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận quý III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng làm trầm trọng thêm sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, khiến các nhà phân tích cắt giảm dự báo lợi nhuận quý III/2021 của các doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư đang lo ngại tắc nghẽn chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận quý III

Gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ kéo dài

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ khó có thể kết thúc trong năm nay khi cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm dấy lên lo ngại lạm phát. Trong đó, sự thận trọng chủ yếu nằm trong phân khúc các ngành bán dẫn, bán lẻ và nguyên liệu thô.

George Ball, Chủ tịch Công ty Đầu tư Sanders Morris Harris có trụ sở tại Houston (Mỹ) cho biết: “Các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục kéo dài, dẫn đến giá cả cao hơn đáng kể và sự bất cân xứng ở các thị trường mà không ai mong đợi”.

"Tất cả các lĩnh vực không phải là dịch vụ thuần túy hoặc hướng đến công nghệ thuần túy sẽ phải vật lộn với các vấn đề về chuỗi cung ứng trong một thời gian dài”, ông cho biết.

Công suất ngành công nghiệp bán dẫn được dự báo chưa tăng mạnh cho tới cuối năm 2022 do các nhà máy đóng cửa và thời gian giao hàng lâu hơn. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc cũng có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi nước này đóng cửa các nhà máy.

Giá chip có thể đã đạt đỉnh và ước tính lợi nhuận trong 12 tháng tới của các gã khổng lồ sản xuất chip như Samsung Electronics, Micron Technology và Intel đã biến động mạnh hoặc giảm trong hai tháng qua.

Doanh nghiệp sản xuất ô tô phân hóa

Việc thiếu hụt chip và gián đoạn chuỗi cung ứng khiến các nhà sản xuất ô tô chịu nhiều thiệt hại trong năm nay. Nhiều nhà sản xuất ô tô đã báo cáo doanh thu sụt giảm trong quý III do sự bế tắc trong khâu vận chuyển và tắc nghẽn tại các cảng.

Tuy nhiên, những rắc rối của ngành ô tô đều được nhìn thấy rõ ràng và hầu hết những bất lợi đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley vào tuần trước cho biết, quý III có khả năng là đáy về sản lượng ô tô ở Mỹ, mặc dù có thể có nhiều đợt cắt giảm ước tính lợi nhuận của các nhà cung cấp trong thời gian tới.

Dù nhiều nhà sản xuất gặp khó, nhưng một số doanh nghiệp sản xuất ô tô như Tesla và Toyota Motor lại hoạt động tốt. Hai nhà sản xuất này đã xử lý tình trạng thiếu hụt tốt hơn những hãng sản xuất ô tô khác, trong đó Toyota đã báo cáo doanh số bán hàng tăng 1,4% trong quý gần nhất.

Tineke Frikkee, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cổ phiếu của Waverton Investment Management cho biết, cho đến nay, Toyota đã quản lý nguồn cung chip của mình rất tốt, vì họ đã giải quyết các mối quan hệ với nhà cung cấp một cách khác biệt sau khi trận động đất hồi đầu năm làm ngừng hoạt động sản xuất.

Doanh nghiệp bán lẻ, thời trang chịu đòn đau

Việc cổ phiếu của Bellwether Bed Bath & Beyond lao dốc 65% kể từ đầu tháng 6 là minh chứng cho những vấn đề mà các nhà bán lẻ trên toàn cầu đang gặp phải, với nhiều điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, cũng như họ cần dự trữ cho thời điểm quan trọng nhất trong mùa mua sắm cuối năm.

Các cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhiều nhất đã giảm trung bình khoảng 20% ​​kể từ giữa tháng 8, vì vậy chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư đã hiểu được hầu hết các vấn đề này.

Tom Nikic, chuyên gia phân tích của Wedbush Securities

Nhà phân tích Cristina Fernandez của Telsey Advisory Group cho biết, những thách thức này sẽ tác động đến tỷ suất lợi nhuận trong quý III/2021 của các nhà bán lẻ và có tác động đáng kể hơn trong quý tiếp theo.

Bên cạnh đó, việc đóng cửa nhà máy cũng làm cho vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng trở nên trầm trọng hơn. Nike đã hạ dự báo doanh số bán hàng vào cuối tháng 9 do tạm dừng sản xuất tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch. Theo nhà phân tích Tom Nikic của Wedbush Securities, Deckers Outdoor, Skechers, Adidas và Under Armour cũng có ít nhất 25% sản lượng tại Việt Nam.

Nhà phân tích Tom Nikic cho biết: "Các cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhiều nhất đã giảm trung bình khoảng 20% ​​kể từ giữa tháng 8, vì vậy chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư đã hiểu được hầu hết các vấn đề này".

Một vấn đề nữa đó chính là giá nguyên vật liệu và năng lượng tăng mạnh cũng ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất.

Zhikai Chen, Trưởng bộ phận Chứng khoán châu Á tại BNP Paribas Asset Management cho biết: “Sự gián đoạn cung và cầu tiếp theo là về vấn đề năng lượng. Chúng tôi có thể gặp thêm các vấn đề về nguồn cung cấp nếu việc thiếu hụt năng lượng trở nên phổ biến hơn”.

Giá bông đã tăng lên mức cao gần một thập kỷ vào ngày 7/10, trong khi chính sách khử cacbon ở Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến tình trạng khan hiếm than nghiêm trọng và giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đang tăng vọt.

Willem Sels, Giám đốc đầu tư của bộ phận quản lý tài sản tại HSBC Holdings cho biết, tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá dầu cao sẽ là thông tin tích cực đối với các nhà sản xuất năng lượng xanh, xe điện, ngành pin và toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng xanh.

Bên cạnh đó, các công ty công nghiệp và xây dựng dự kiến ​​sẽ cảnh báo về những rắc rối của chuỗi cung ứng khi họ bắt đầu báo cáo kết quả kinh doanh quý III vào cuối tháng này. Các công ty vận hành chuỗi siêu thị và công ty thương mại điện tử đang đối phó với tình trạng thiếu tài xế xe tải ở nhiều nơi trên thế giới. Các chủ hàng vẫn gặp phải tình trạng thiếu container chở hàng đúng nơi, đúng giá.

Chỉ số Global Earnings Revision Index (Chỉ số điều chỉnh Thu nhập Toàn cầu) của Citigroup - chỉ số toàn cầu về ước tính nâng dự báo của lợi nhuận trừ đi ước tính hạ dự báo của lợi nhuận kỳ vọng của các nhà phân tích - đang giảm mạnh theo hướng tiêu cực sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 5/2021.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục