Cần phải xem lại cung cách làm ăn
Mới hồi đầu tháng, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao đã đưa ra giải quyết vụ Công ty Ecom Agroindustrial Corp. Ltd (Thụy Sỹ) đề nghị thi hành phán quyết của Trọng tài quốc tế với Công ty dệt 19/5 Hà Nội (Hatexco). Mặc dù Hội đồng xét đơn đã tạm hoãn phiên họp để làm rõ, bổ sung chứng cứ và mở lại phiên họp sau, nhưng theo ghi nhận tại phiên xét đơn thì nhiều khả năng thua thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.
Nội dung vụ việc như sau: Cuối năm 2010, Hatexco ký hợp đồng mua bông của Ecom. Thời điểm này giá bông rất cao, nhưng chỉ vài tháng sau giá giảm còn bằng 1/3. Vì ký hợp đồng trong giai đoạn này nên Hatexco phải chịu mức giá cao. Thấy thiệt quá nên Hatexco phá vỡ hợp đồng, không nhập bông từ Công ty Ecom nữa. Dĩ nhiên Ecom kiện ra Hội đồng Trọng tài thuộc Hiệp hội Bông quốc tế (ICA) có trụ sở tại Liverpool (Anh). ICA đã ra phán quyết, trong đó quy cho Hatexco vi phạm hợp đồng và phải bồi thường.
Sau khi có phán quyết của ICA, Công ty Ecom đã gửi đơn đến Tòa án của Việt Nam để đề nghị thi hành phán quyết này. Tại phiên họp giải quyết do TAND Tối cao tổ chức, phía Hatexco không đồng ý với phán quyết vì cho rằng ICA giải quyết vụ việc mà không có mặt đại diện Hatexco. Ngoài ra, Hatexco còn lấy lý do khi ký hợp đồng nhập khẩu bông với Ecom thì người đại diện phía Ecom không có thẩm quyền ký kết, do đó hợp đồng vô hiệu…
Ecom phản đối lý lẽ này của Hatexco và cho rằng, theo quy định của pháp luật Thụy Sỹ, người đại diện Ecom ký hợp đồng với Hatexco có đủ thẩm quyền. Việc Hatexco phá bỏ hợp đồng là vì giá bông lên cao, chứ không phải do người ký không đủ thẩm quyền mà Hatexco phá hợp đồng.
Hội đồng xét đơn đã hoãn phiên xét đơn để 2 bên bổ sung thêm chứng cứ. Tuy nhiên, theo luật sư Hoàng Thanh Bình, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, qua nội dung vụ việc trên thì thấy nhiều khả năng Hatexco thua kiện và phải bồi thường hợp đồng, vì rõ ràng là Hatexco đã phá bỏ hợp đồng. Nếu lấy lý do người ký hợp đồng phía Ecom không đủ thẩm quyền, sao Hatexco không đề nghị điều chỉnh ngay từ khi ký.
Hồi năm ngoái, một vụ việc gây xôn xao dư luận là vụ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thua kiện và phải bồi thường 65 tỷ đồng cho nhà thầu Hàn Quốc là công ty SK Engineering & Construction (SKE&C) - nhà thầu thi công gói thầu bến cảng thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.
Theo đó, vào tháng 10/2009, Vinalines và liên danh nhà thầu là SK E&C - Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) đã ký hợp đồng số 03/VP/2009/HĐ - HHVN thi công gói thầu số 6B1.
Để thực hiện dự án, nhà thầu SK E&C đã mua lô cọc thép 544 đoạn SPP và mang đến công trường. Phía SK E&C có đủ hồ sơ về khối lượng cọc thép được nhập về Việt Nam, có xác nhận của tư vấn giám sát.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2012, Chính phủ ra văn bản dừng dự án này, chấm dứt vai trò chủ đầu tư của Vinalines, chuyển dự án về Cục Hàng hải, thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Do toàn bộ dự án phải dừng nên chủ đầu tư và nhà thầu tiến hành thanh lý hợp đồng dang dở, quyết toán tại thời điểm thanh lý. Nhà thầu SK E&C đòi Vinalines trả đủ giá trị vật tư đã chuyển về Việt Nam.
Chính Hội đồng trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ra phán quyết buộc Vinalines phải trả hơn 65 tỷ đồng cho nhà thầu Hàn Quốc.
Không đồng ý phán quyết này, Vinalines đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị hủy phán quyết của VIAC. Vinalines cho rằng hồ sơ thanh toán của nhà thầu SK E&C không hợp lệ, tư vấn nghiệm thu không đúng, khối lượng thi công không đảm bảo chất lượng…
Vinalines còn cho rằng, lô cọc ống thép nhà thầu SK E&C đưa đến công trường sai quy cách, không có hồ sơ sản xuất, không tuân thủ hợp đồng về số lượng và giá cả. Bên cạnh đó, SK E&C không thực hiện quy định nghiệm thu khối lượng, khai thuế hàng tháng và ký đề nghị thanh toán.
Tuy nhiên lý lẽ của Vinaline đã bị Tòa án bác bỏ vì “Vinalines không đưa ra được chứng cứ để chứng minh”. Do đó, TAND thành phố Hà Nội quyết định giữ nguyên phán quyết của VIAC, buộc Vinalines phải bồi thường cho nhà thầu Hàn Quốc 65 tỷ đồng.
Thua kiện là đương nhiên?
Luật sư Nguyễn Duy Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty luật Hoàng Giao và cộng sự, người đã tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp thương mại cho biết, những vụ tranh chấp quốc tế mà ông được mời tham gia thì số vụ bên Việt Nam thua nhiều hơn thắng. Theo ông Nguyên, chính cung cách làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam đã dẫn đến việc thua cuộc.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyên cho rằng, do doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu hết về các luật chơi, khi ký kết hợp đồng thường sơ sài, không lường hết các tình huống. Chẳng hạn như vụ việc của Hatexco kể trên, nếu khi ký hợp đồng, có điều khoản ràng buộc là khi giá nguyên liệu giảm, phía nhập khẩu cũng được giảm tương ứng, hoặc chỉ thanh toán đúng bằng giá tại thời điểm nhận hàng, thì phía đối tác đã không kiện được Hatexco.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và cả các ban quản lý dự án của Việt Nam còn kém về quản lý điều hành, nhiều khi còn không nắm vững cả luật Việt Nam, nên khi ký thỏa thuận, hợp đồng, cứ ký bừa. Khi có tranh chấp, đối tác nước ngoài căn cứ chính thỏa thuận đó để kiện phía Việt Nam. Vấn đề quản lý hồ sơ tài liệu của chúng ta cũng không bài bản, không luôn sẵn có để xử vấn đề khi có tranh chấp…
Ở một góc nhìn khác, TS luật học Phạm Hồng Hải, nguyên Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khá “bầy hầy”, làm ăn chụp giật, không tôn trọng pháp luật. “Ở trong nước thì các doanh nghiệp dễ xuê xoa, có tranh chấp thì ngồi uống với nhau vài trận rượu là giải quyết xong. Đem cung cách đó ra làm ăn với thế giới, xảy ra tranh chấp, cái lý mình kém, thì thua kiện là đương nhiên”, ông Hải nói.