Đây là vụ tranh chấp thương mại quốc tế phức tạp khi đương sự là pháp nhân của hai nước Thụy Sĩ và Việt Nam, nhưng lại lựa chọn cơ quan tài phán là Hội đồng Trọng tài xét xử theo luật pháp nước Anh.
Luật sư Trần Trọng Bình, Công ty Luật Audier & Partner cho biết, bên xin thi hành phán quyết là Ecom Agroindustrial Corp. Ltd., một công ty được thành lập theo pháp luật Thụy Sĩ, có trụ sở chính tại Guillemin 16, CH-1009 Pully, Thụy Sĩ.
Bên bị thi hành là Hatexco, có trụ sở tại 203 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam. Phán quyết trọng tài do Hội đồng Trọng tài thuộc Hiệp hội Bông quốc tế (ICA) có trụ sở tại Liverpool (Anh) đưa ra.
Được biết, giữa Hatexco và Ecom có giao dịch mua bán bông, Hatexco là bên nhập khẩu. Giai đoạn cuối năm 2010 và đầu năm 2011, giá bông tăng vọt, gấp khoảng 3 lần, sau đó lại giảm về mức giá trung bình trước đó. Hatexco đã có giao kết hợp đồng với Ecom trong giai đoạn giá bông cao ngất ngưởng này. Trước biến động giá bông bất thường, Hatexco lựa chọn giải pháp phá vỡ hợp đồng, không tiếp tục nhập nguyên liệu theo thỏa thuận với Ecom.
Bởi thế, phía Ecom đã có đơn yêu cầu Hội đồng Trọng tài thuộc ICA giải quyết. Phán quyết của Hội đồng Trọng tài đã chấp nhận yêu cầu của Ecom, buộc Hatexco phải bồi thường do phá vỡ hợp đồng.
Sau khi phán quyết được ban hành, Ecom có đơn yêu cầu thi hành phán quyết này gửi tới Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Quá trình giải quyết tại Tòa án, phía Hatexco không chấp nhận phán quyết trên vì cho rằng đã có vi phạm về tố tụng như: quá trình giải quyết tại Hội đồng Trọng tài (thuộc ICA), Hatexco không được triệu tập, tống đạt các văn bản đúng quy định, người đại diện Ecom ký hợp đồng không có thẩm quyền ký kết, do đó giao dịch là vô hiệu. Hội đồng xét đơn sơ thẩm đã bác yêu cầu của Ecom. Phía Ecom đệ đơn kháng cáo.
Ở cấp phúc thẩm, Ecom khẳng định, người đại diện Ecom ký hợp đồng với Hatexco có đủ thẩm quyền. Phía Ecom cho rằng, Hatexco đã hiểu nhầm về pháp luật Thụy Sĩ, bản trích lục đăng ký điện tử của Thụy Sĩ không tương đương với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Việt Nam. Những người được ghi nhận trên bản trích lục này không phải là những đại diện theo pháp luật duy nhất của một công ty Thụy Sĩ.
Việc xác định người đại diện hợp pháp của pháp nhân được căn cứ vào Bộ luật về nghĩa vụ của Thụy Sĩ và có nhiều cách khác nhau để xác định người đại diện một công ty khi ký hợp đồng. Ý kiến pháp lý của luật sư Thụy Sĩ do Ecom trình Hội đồng xét đơn có nêu một công ty Thụy Sĩ có thể được đại diện bởi bên thứ ba, bao gồm các nhân viên của mình, kể cả những người không được đăng ký tại Phòng Đăng ký thương mại.
Việc nhân viên Ecom ký hợp đồng mà không có ủy quyền không gây ra trở ngại gì, bởi đã được trao quyền thông quy ủy quyền hành vi cụ thể. Điều này khác với luật pháp Việt Nam, yêu cầu mọi ủy quyền đều phải bằng văn bản.
Hội đồng xét đơn đã yêu cầu Hatexco trình bày về những hồ sơ tài liệu được sao y bản chính bởi chính Hatexco trong hồ sơ vụ án. Hatexco nêu lý do không chấp nhận phán quyết trọng tài là bởi có vi phạm tố tụng khi công ty này không hay biết gì về vụ tranh chấp, không được tống đạt, không được triệu tập, chỉ đến tháng 1/2013 mới biết khi Tòa án thông báo. Tuy nhiên, trong hồ sơ của Hatexco có một số văn bản giấy tờ được chính Công ty đóng dấu sao y bản chính, điều này thể hiện Hatexco không thể không biết về tranh chấp này ở giai đoạn trọng tài thương mại.
Đại diện Hatexco giải trình rằng, Công ty không có bản gốc, việc đóng dấu sao y bản chính chỉ là thói quen trong hoạt động doanh nghiệp. Khi Tòa án yêu cầu cung cấp tài liệu thì Công ty mới tìm kiếm các nguồn và các giấy tờ này được phía đại lý cung cấp. Do hạn chế về năng lực nên Công ty không trực tiếp ký hợp đồng với phía Thụy Sĩ, mà do phía đại lý thực hiện. Văn bản giấy tờ khi cần thì yêu cầu đại lý cung cấp.
Nhận thấy những vấn đề này chưa thể làm rõ ngay tại phiên tòa, Hội đồng xét đơn đã hoãn phiên họp để triệu tập các bên làm rõ, bổ sung chứng cứ và mở lại phiên họp sau.