Trong năm 2017 tiếp tục xảy ra các vụ tranh chấp bảo hiểm và đều có diễn biến phức tạp. Là luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng trong nhiều vụ tranh chấp bảo hiểm, theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp?
Thị trường bảo hiểm trong năm 2017 đã có nhiều bước phát triển rõ rệt, tăng trưởng về nhiều mặt trên toàn thị trường, ở cả 2 mảng chính đó là nhân thọ và phi nhân thọ, doanh thu tăng trưởng ở mức cao, trở thành một ngành nghề kinh doanh hấp dẫn. Nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đánh giá cao tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Luật sư Phạm Hoàng Sang
Tuy nhiên, việc thực thi Luật Kinh doanh bảo hiểm nói riêng, các quy định liên quan nói chung còn bộc lộ những hạn chế, gây giảm sút hiệu quả điều chỉnh pháp luật, làm thị trường phát triển kém lành mạnh, nảy sinh tranh chấp kéo dài, gây suy giảm niềm tin của một bộ phận người tiêu dùng.
Như tôi đã từng trao đổi tại buổi offline “Một số khía cạnh pháp lý về hợp đồng bảo hiểm: Góc nhìn từ những vụ tranh chấp” với các thành viên sáng lập group “Bảo hiểm & cuộc sống”, có 4 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tranh chấp.
Thứ nhất, doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng một cách máy móc, rập khuôn các bộ đơn bảo hiểm có nguồn gốc từ các quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến và trình độ pháp lý cao vào thị trường Việt Nam.
Thứ hai, kỹ năng dịch thuật, xây dựng đơn bảo hiểm chưa phù hợp quy định pháp luật, tính dự trù của các quy phạm pháp luật chưa cao.
Thứ ba, khả năng giải thích, áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế.
Thứ tư, năng lực của công ty giám định tổn thất chưa đáp ứng yêu cầu.
Về nguyên nhân thứ nhất, có quan điểm cho rằng, đó là điều không thể tránh khỏi đối với một thị trường bảo hiểm còn non trẻ như Việt Nam, ông nghĩ sao?
Như chúng ta đã biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam mới phát triển trong hai thập niên gần đây khi chính sách mở cửa kinh tế của Đảng và Nhà nước cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tham gia kinh doanh.
Song song đó, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép cấp đơn bảo hiểm/tái bảo hiểm xuyên biên giới tạo điều kiện cho các dòng sản phẩm dịch vụ tài chính bảo hiểm kỹ thuật cao gia nhập ồ ạt vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn vốn cho các thành phần kinh tế.
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm trong nước phải hội đủ những chuẩn mực kỹ thuật để tham gia thị trường tái bảo hiểm toàn cầu, các sản phẩm phải đồng nhất về nội dung, cách vận dụng cũng như phương pháp đánh giá mức độ rủi ro để tính phí…
Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm quốc tế đã tồn tại và phát triển trước Việt Nam nhiều thế kỷ, với nền tảng pháp lý ở trình độ rất cao, khi phải áp dụng tính tương đồng nói trên vào Việt Nam có nền pháp lý ở mức thấp hơn, chắc chắn sẽ nảy sinh những hạn chế và bất cập, điều này là khó có thể tránh khỏi.
Trong 4 nguyên nhân chính kể trên, đâu là nguyên nhân khiến tranh chấp bảo hiểm có diễn biến phức tạp, theo ông?
Theo tôi, đó là nguyên nhân thứ ba, khả năng giải thích, áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế.
Hiện chưa có con số thống kê chính thức trên toàn thị trường bảo hiểm về số vụ khiếu nại/khiếu kiện trong năm để có thể đưa ra con số cụ thể về mức độ tăng giảm. Tuy nhiên, dưới góc độ một luật sư theo dõi ngành này cũng như qua tham khảo từ một số đơn vị chuyên giải quyết khiếu nại/tranh chấp liên quan đến lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, trong đó có Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA, thì số vụ tranh chấp đang tăng.
Ngoài hai vấn đề bất cập đã nêu ở hai nguyên nhân đầu, xét trong quan hệ nội tại doanh nghiệp bảo hiểm, do tốc độ phát triển nóng của thị trường, những người vận hành/điều hành bộ máy doanh nghiệp bảo hiểm thường được bổ nhiệm trên cơ sở điều động từ những ngành nghề khác, chưa qua đào tạo chuyên sâu về bảo hiểm.
Họ có xu hướng chú trọng hoạt động thu nhận nhằm đạt được kế hoạch kinh doanh mà thiếu quan tâm đến khâu dịch vụ hậu mãi, lẫn việc đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vì thế, nhân viên của họ thiếu chiều sâu về hiểu biết pháp luật, dẫn đến áp dụng luật trong kinh doanh đôi khi tùy tiện, từ khâu nhận bảo hiểm cho đến giải quyết bồi thường, tức trong toàn bộ quy trình hoạt động của một doanh nghiệp bảo hiểm.
Tất nhiên, trong nhiều vụ tranh chấp, một phần nguyên nhân là do nhận thức của người tham gia bảo hiểm còn hạn chế.
Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ thua kiện của các hãng bảo hiểm ngày càng cao do tòa án có xu hướng thiên vị người mua bảo hiểm. Theo đuổi nhiều vụ kiện bảo hiểm, ông thấy sao?
Ý kiến này là một định kiến hoàn toàn sai lệch, xuất phát từ suy nghĩ chủ quan của những người làm công tác bồi thường bảo hiểm.
Có thể dẫn chứng những vụ tranh chấp mà khi phân tích chúng ta có thể nhìn thấy được nguyên nhân dẫn đến các vụ kiện tụng dưới một góc nhìn khoa học, giải thích tại sao nhà bảo hiểm thường bị xử thua khi ra tòa. Chi tiết cụ thể được phân tích trong từng hồ sơ, mỗi hồ sơ sẽ có những lý do và đặc thù riêng, nhưng đa phần phần thua thiệt của nhà bảo hiểm xuất phát từ những yếu kém nhất định trong nhận định, thực hiện hợp đồng và xử lý tranh chấp sau đó.
Những nhận định chủ quan của nhà bảo hiểm thường gặp trong các vụ tranh chấp đó là tỏ ra quá tự tin trong hiểu biết về chuyên môn bảo hiểm. Tự tin thái quá về “chứng cứ pháp lý” nắm trong tay như bản hợp đồng bảo hiểm, bản báo cáo giám định, các chứng từ, biên bản làm việc… Họ nghĩ rằng, đó là các chứng cứ, nhưng dưới nhãn quan tòa án, chúng chỉ là tài liệu tham khảo, không có giá trị pháp lý.
Ngoài nguyên nhân từ phía doanh nghiệp bảo hiểm, qua thực tế tham gia bảo vệ cho đương sự tại tòa, theo ông, có nguyên nhân nào khác khiến việc xử lý tranh chấp bị kéo dài, thậm chí đi vào bế tắc hay gây bất lợi cho một phía hay không?
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao trùm nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Do đó, hầu hết các ngành luật đều ít nhiều có những chế định liên quan đến bảo hiểm.
Các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm về bản chất là một sự thỏa thuận, một giao dịch, trong đó các bên xác định các quyền và nghĩa vụ của mình với mục đích là lợi ích mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập hợp đồng. Vấn đề là khi có tranh chấp thì giải quyết ra sao?
Tại Việt Nam, những người làm công tác tài phán (quan tòa, trọng tài) đang thực hiện công việc của mình thường kiêm nhiệm các công việc tài phán khác, nên độ chuyên sâu có phần bị hạn chế. Trong khi đó, nghiệp vụ bảo hiểm khá phức tạp, dẫn đến một số trường hợp phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét. Dù không thiên vị bên nào nhưng đôi khi quyết định của tòa hay trọng tài không thực sự đảm bảo chất lượng.
Theo ông, giải pháp nào khắc phục tình trạng trên?
Tôi cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tôn trọng hợp đồng và khung pháp lý, còn tòa án nên tách riêng ra để xử án bảo hiểm, hoặc chỉ giao cho tòa chuyên trách.