Tranh cãi việc trồng phong lá đỏ ở đường phố Hà Nội

Trái với ý kiến lo ngại loài cây ôn đới dễ chết vào mùa hè, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng khẳng định, phong sẽ phát triển tốt ở Hà Nội.
Cây phong được trồng ở dải phân cách giữa phố Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Ảnh: Ngọc Thành. Cây phong được trồng ở dải phân cách giữa phố Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Ảnh: Ngọc Thành.

Hàng trăm cây phong lá đỏ đang được trồng ở dải phân cách giữa phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Trần Duy Hưng. 

Chuyên gia lâm nghiệp Đoàn Diễm cho rằng phong là cây ôn đới, khó thích nghi với xứ nhiệt đới. Mùa đông cây không có vấn đề gì, song mùa hè thì "chịu sao nổi" trên đường phố Hà Nội. 

"Nhiều cây nhiệt đới trồng trên đường phố còn bị chết, phong lá đỏ rất khó tồn tại lâu dài ở Hà Nội", ông Diễm nói và lo ngại trồng trên dải phân cách, lá phong rụng nhiều xuống đường phố sẽ ảnh hưởng tới mỹ quan và người đi đường.

Theo ông Diễm, hiện nay chưa có tài liệu nào thử nghiệm trồng cây phong tại Việt Nam, đặc biệt tại vùng đô thị như Hà Nội. Bất kỳ loại cây đô thị nào cũng cần được thử nghiệm của cơ quan khoa học.

Vì thế, thành phố nên thử trồng cây ở công viên để đánh giá mức độ thích nghi. Tốt nhất là trồng phong trong công viên vì sẽ mát hơn ngoài đường phố và mọi người có thể thưởng ngoạn.

Đồng quan điểm, GS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, cho rằng phong lá đỏ sẽ thuộc dạng "khó trồng" ở khu vực oi nóng như Hà Nội. Mùa hè, cây tốn nhiều công chăm sóc và tốn nhiều nước vì phải tưới liên tục.

Theo GS Khả, cây phong có thể trồng được ở xứ nóng, song khả năng thích nghi thấp. Ngoài ra, nên trồng ở dải phân cách rộng 5-7m sẽ thích hợp hơn là chỉ khoảng 2-3m như hiện nay vì cây sẽ rụng lá nhiều xuống đường.

"Cây phong tốt nhất là trồng ở Sa Pa hay trong công viên, trồng ở đường phố cũng được song không phải là phương án tối ưu", GS Khả nhận xét. 

GS Khả nhìn nhận, Hà Nội đang trồng nhiều cây xanh trên các tuyến phố song mật độ khá dày, 1-2m có một cây và nhiều cây trồng dưới các tán cây khác chưa hợp lý, tạo cảm giác lãng phí.

Thành phố cần nghiên cứu trồng từng loại cây trên mỗi phố như quanh Hồ Gươm trồng hoa ban thì hợp lý.

Tranh cãi việc trồng phong lá đỏ ở đường phố Hà Nội ảnh 1

 Tuyến đường Võ Nguyên Giáp được trồng năm loại cây trên dải phân cách giữa. Ảnh: Bá Đô

Trái với quan điểm trên, GS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, tin rằng phong lá đỏ sẽ thích nghi khí hậu Hà Nội giống như các tỉnh phía nam Trung Quốc.

Mục tiêu của Hà Nội là có thêm nhiều loại cây màu sắc rực rỡ trên đường phố. Loại phong lá nhỏ bằng lòng bàn tay có tán đều, cao 5-6m rồi tản ra, sẽ vừa là cây bóng mát, vừa trang trí đường phố. Nhiều đường phố ở nước ngoài trồng ba hàng, Hà Nội chỉ trồng một hàng do ít đất.

Nhận xét về các loại cây khác đang trồng trên đường phố Hà Nội, GS Nguyễn Lân Hùng cho rằng, mọi người không thích trồng bàng lá nhỏ song cây này đã được trồng nhiều ở đường phố Đài Loan vì lá không quá to lại có tán đẹp.

Các loại như long não, giáng hương đang được trồng ở nhiều phố Hà Nội cũng là cây bóng mát đẹp, lá xanh tốt vào mùa hè.

"Công ty công viên xây xanh Hà Nội đã đi học tập ở Singapore, Trung Quốc và lấy ý kiến tham vấn của chuyên gia trong nước trước khi lựa chọn loại cây trồng trên đường phố. Tôi tin rằng việc thực hiện sẽ thành công", GS Hùng cho hay.

Hà Nội đang thực hiện chương trình trồng một triệu cây xanh đến năm 2020. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho hay, thành phố đã trồng được khoảng 500.000 cây.

Ngoài phong, các loại cây mới được đưa vào trồng như sang, hoa ban, chà là, cọ dầu, bàng lá nhỏ, chiêu liêu, long não, giáng hương...


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục