Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết, kinh tế Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình (thấp) từ năm 2010 với mức thu nhập trung bình đầu người là 1.068 USD, năm 2013 là 1.960 USD.
Việt Nam cũng như các nước khác, khi đạt được mức thu nhập trung bình đều quan tâm đến nguy cơ vướng bẫy thu nhập trung bình liên quan đến các chỉ số về tốc độ tăng trưởng kinh tế; năng suất lao động và năng suất tổng hợp; chất lượng tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; các chỉ số xếp hạng toàn cầu của quốc gia v.v…
Cũng theo ông Huệ, trong giai đoạn từ 1950-2010, trong 124 nền kinh tế được theo dõi bởi Ngân hàng Thế giới (WB), có 52 nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình, thì đã có 35 nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình, trong đó có 30 nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Chỉ có 13 trong số 52 nền kinh tế vượt qua được bẫy thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập cao. Trong đó, có 5 nền kinh tế ở Đông Á và Đông Nam Á là Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore.
Tại Hội thảo, ngoài các tham luận, nhiều đại biểu, nhà khoa học đã đóng góp các ý kiến thảo luận xung từng nội dung. Ban tổ chức cho biết, các ý kiến này sẽ được tổng hợp để báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề "tránh bẫy thu nhập ở Việt Nam".
Bẫy thu nhập trung bình là một tình trạng trong phát triển kinh tế, khi mà một quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) sẽ giậm chân tại mức thu nhập đó.
|