Thưa ông, hiện tại, yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang được đặt ra là tiền để cho tăng trưởng giai đoạn tiếp theo…
Việc nghiên cứu quá trình đổi mới kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường trong 30 năm qua mà Viện Chiến lược phát triển đang thực hiện cho thấy, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với thách thức lớn: đó là ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời với việc chuẩn bị các điều kiện cho tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn tiếp sau.
Trong ngắn hạn, mục tiêu tập trung vẫn là ổn định để tăng trưởng, nhưng trong giai đoạn ngay sau đây, mục tiêu phải là tăng trưởng để ổn định. Vì nền kinh tế Việt Nam với tư cách là quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, để tránh bẫy thu nhập, tránh tụt hậu xa hơn, cần đạt được tốc độ tăng trưởng nhất định. Chính tốc độ tăng trưởng được xây dựng trên nền tảng bền vững, giảm thiểu và kiểm soát những cú sốc bất lợi sẽ tạo nên sự ổn định cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại, điều kiện để đạt được sự chuyển dịch trong mục tiêu tăng trưởng này là gì?
Kết quả của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chính là điều kiện tiên quyết và quyết định đảm bảo cho quá trình này. Có nghĩa là, tái cơ cấu đầu tư công phải giải quyết dứt điểm tình trạng nợ xấu, nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tạo dựng được kết cấu hạ tầng có ý nghĩa then chốt cho sự phát triển dài hạn.
Tương tự, kết quả của tái cơ cấu tài chính, ngân hàng phải là đảm bảo được hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, minh bạch, đồng tiền lưu thông tốt, giá trị đồng tiền ổn định, lãi suất cơ bản giảm. Tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước phải đi đến việc giảm tỷ trọng của khu vực này trong GDP một cách hợp lý, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng… Trên cơ sở này, các nguồn lực xã hội mới có điều kiện phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều rào cản để đến được đích mong muốn này, thưa ông?
Trong quá trình nghiên cứu một số đề tài đang được giao, trong đó có những đề tài nghiên cứu sâu về tư duy và quan điểm phát triển, Báo cáo Kinh tế - Xã hội thời kỳ 2016-2020 hay xây dựng Quy chế Phối hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô giữa 4 cơ quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công thương…, chúng tôi phát hiện nhiều rào cản khá lớn. Có thể nhắc tới tình trạng thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp và thiếu nhất quán trong điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô; hay sự chồng chéo, chia cắt, thậm chí lạm dụng trong quy hoạch phát triển, trong phát triển kinh tế vùng…
Điều này có nghĩa là…
Đặt những vấn đề này trong bối cảnh Việt Nam đang phải đẩy mạnh cuộc cải cách kinh tế một cách toàn diện, sâu rộng và thị trường hơn để thấy rằng, mục tiêu tăng trưởng để ổn định là một thách thức lớn, đòi hỏi tư duy đổi mới trong điều hành kinh tế, chiến lược lớn, chính sách kinh tế lớn, nhằm nâng cao hơn năng lực cạnh tranh về mặt thể chế, đem lại ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế tốt, nâng cao đời sống nhân dân…
Với Viện Chiến lược phát triển, có thể nói, những đóng góp trong giai đoạn phát triển trước đây của nền kinh tế đã được ghi nhận. Lúc này, nền kinh tế, thực tiễn phát triển đòi hỏi những yêu cầu mới, đòi hỏi chính bản thân cơ quan nghiên cứu như chúng tôi phải tự đổi mới, nâng cao năng lực nghiên cứu và đề xuất chính sách.