Phương thức tăng trưởng này phù hợp với điểm xuất phát thấp và đang trong thời kỳ “dân số vàng”, có nguồn lao động dồi dào, độ tuổi còn trẻ. Tuy vậy, phương thức tăng trưởng đó có một số hạn chế, bất cập, như có sự hạn hẹp về nguồn, nhất là nguồn vốn đầu tư, trong khi một phần vốn đầu tư là của nước ngoài và còn phải đi vay, phải trả cả vốn lẫn lãi, với mức trả nợ đã chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu ngân sách; hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, làm cho sản phẩm của Việt Nam “thua nhiều trên sân người” khi xuất khẩu, “thắng ít trên sân nhà” đối với hàng nhập khẩu...
Nếu tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào năng suất lao động và hiệu quả đầu tư, hay còn gọi là năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), thì đó là tăng trưởng theo chất lượng, phát triển theo chiều sâu. Hầu hết các nền kinh tế đang hướng tới phương thức này, bởi năng suất lao động và hiệu quả đầu tư không bị hạn hẹp về nguồn. Hơn nữa, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng như của Việt Nam thời gian qua cho thấy, việc đạt mục tiêu cuối cùng không chỉ do tốc độ tăng trưởng cao trong ngày hôm nay, mà ở sự bền vững của tốc độ tăng đó trong dài hạn.
Theo một nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu khoa học, Tổng cục Thống kê về tỷ trọng đóng góp của TFP đối với tốc độ tăng GDP và theo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, thì tỷ trọng đóng góp của TFP đã tăng lên qua các thời kỳ và hướng đến mục tiêu cao hơn theo kế hoạch 5 năm 2011-2015 và chiến lược 10 năm 2011-2020.
Tuy nhiên, có 2 vấn đề đặt ra. Thứ nhất là tỷ trọng đóng góp của TFP đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn thấp; tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố tăng số lượng lao động và tăng số lượng vốn đầu tư. Thứ hai, tỷ trọng đóng góp của TFP đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn thấp xa tỷ trọng đóng góp từ 50-60% của các nước trong khu vực.
Cụ thể, về năng suất lao động, Việt Nam đạt được tốc độ tăng tương đối khá (bình quân thời kỳ 2006- 2012 đạt 3,87%/ năm), song mức năng suất lao động của Việt Nam còn thấp (năm 2012 mới đạt 62,1 triệu đồng, tương đương 2.971 USD).
Với mức năng suất lao động thấp như vậy, việc tái sản xuất sức lao động không dễ, việc nuôi sống những người ăn theo cũng khó khăn, nói chi đến tích lũy ở trong nước để đầu tư tăng trưởng, cũng như phát triển xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường. Chính vì thế, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP trong nhiều năm cao hơn nhiều so với tỷ lệ để dành/GDP (năm 2007 là gần 9%, năm 2008 là 6,3%, năm 2009 là gần 10%, năm 2010 l à 7,8%, mới giảm xuống từ 3 năm nay).
Nguyên nhân làm cho năng suất lao động của Việt Nam tăng khá có một phần quan trọng do chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành có năng suất lao động thấp sang ngành có năng suất lao động cao. Tỷ trọng lao động đang làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp- thuỷ sản đã giảm xuống. Tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ tăng lên.
Về đầu tư, Việt Nam có tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP khá cao (bình quân 2006-2010 lên đến 39,2% thuộc loại khá cao trên thế giới, có chăng chỉ thấp thua tỷ lệ của Trung Quốc; vượt xa so với tỷ lệ để dành. Từ vài ba năm nay, tỷ lệ đó đã giảm xuống (năm 2013 còn 29,2%) và chênh lệch không đáng kể so với tỷ lệ để dành.
Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư còn thấp. Hệ số ICOR bình quân thời kỳ 2006-2010 lên đến 6,2 lần; bình quân thời kỳ 2011-2013 chỉ còn 5,4 lần, thấp hơn thời kỳ 2006-2010, nhưng vẫn còn cao hơn của nhiều vùng kinh têế khác trong khu vực (Đài Loan thời kỳ 1961-1980 là 2,7 lần, Hàn Quốc thời kỳ 1961-1980 là 3 lần, Trung Quốc thời kỳ 2001-2006 là 4 lần, Thái Lan thời kỳ 1981-1995 là 4,1 lần).
Vì vậy, để chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng, theo chiều rộng, sang chất lượng, theo chiều sâu, cần phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả đầu tư, tức là nâng cao tỷ trọng đóng góp của TFP. Nâng cao TFP còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát...