Thời trang gây ô nhiễm nhiều thứ hai trên thế giới
Đại dịch, khủng hoảng kinh tế, biến động chính trị… khiến năm 2021 trở thành một năm đáng quên với nhiều người. Nhưng, 2021 cũng là năm đánh dấu sự bắt đầu của nhiều điều mới lạ, như Metaverse (vũ trụ ảo), blockchain và nhiều công nghệ khác...
Trong dòng chảy đó, SSSMarket tạm biệt năm 2021 bằng một cú đột phá. Điều này khẳng định, sứ mệnh “truyền cảm hứng sáng tạo từ những món đồ cũ để tạo ra một cuộc sống xanh hơn” của SSSMarket đã lan tỏa đến được với nhiều người hơn, mang đến một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Đó là những chia sẻ trên Facebook cá nhân của Trần Vũ Anh, nhà sáng lập, kiêm CEO SSSMarket khi năm 2021 khép lại. Ngoài việc cảm ơn các cộng sự đã và đang đồng hành cùng SSSMarket, Vũ Anh cũng cảm ơn hàng trăm ngàn người dùng đã dành tình cảm cho sản phẩm và mang lại cuộc sống thứ hai cho những món quần áo thân yêu.
Thời trang rất hấp dẫn và đó là lý do tại sao con người lãng phí quá nhiều thời gian cho nó. Vũ Anh cho biết, trung bình, một người dành 8 giờ mỗi tuần và 5% tổng thu nhập của họ để mua sắm quần áo, trong đó 80% ít được sử dụng.
Nhưng ít người biết rằng, thời trang là “tội ác” gây ô nhiễm nhiều thứ 2 trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 80 tỷ chiếc quần áo mới được sản xuất trên thế giới. Những bộ quần áo đó đóng góp đáng kể vào tình trạng ô nhiễm rác thải khi bị loại bỏ, song có thể tạo ra giá trị hàng trăm tỷ USD.
Nhận thấy đây là cơ hội tạo ra ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, Trần Vũ Anh và cộng sự Lê Võ Mạnh Hưng quyết định xây dựng một thị trường kỹ thuật số, nơi ai cũng có thể khám phá, tìm kiếm, kinh doanh quần áo và kết nối với những người yêu thời trang khác.
Năm 2020, SSSMarket ra đời. Không chỉ là một nền tảng chia sẻ sản phẩm thời trang cũ, SSSMarket còn sử dụng AI để gợi ý sản phẩm và tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng.
Với kinh nghiệm trong việc xây dựng các sản phẩm C2C (hình thức thương mại điện tử giữa những người tiêu dùng với nhau), Vũ Anh và đội ngũ SSSMarket áp dụng hiệu quả công nghệ AI vào việc tự động cập nhật các xu hướng thời trang mới. Dựa trên lượt tìm kiếm và tương tác (like, share), AI cá nhân hóa đề xuất trang phục cho người dùng phù hợp với sở thích của họ.
“Được đào tạo trên hàng tỷ hình ảnh về các khái niệm, AI của chúng tôi đã hiểu về “mix & match” (phối trang phục), sau đó pha trộn nó với các nhân vật độc đáo của mỗi người dùng, từ đó sẽ giới thiệu gu thời trang phản ánh cá tính, phù hợp nhất với người tiêu dùng. Chúng tôi chắc chắn rằng, SSSMarket có thể khiến bạn trở nên lộng lẫy hơn…”, Vũ Anh tự tin chia sẻ.
Sống an toàn sẽ hối hận
Trần Vũ Anh là một trong 10 lãnh đạo công nghệ trẻ năm 2022 được VnExpress vinh danh mới đây. Đam mê công nghệ AI và đã có bằng tiến sĩ ngành AI tại Nhật Bản,
Vũ Anh từng đảm nhận vị trí giám đốc công nghệ ở nhiều start-up về AI thành công như Logivan, Waves... Nhưng sau đó, Vũ Anh tự nhận thấy rằng, đã đến lúc làm gì đó của riêng mình và phục vụ được nhiều người hơn.
Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay có rất nhiều cơ hội và nên trở thành người biết nắm bắt lấy những điều đó, còn kiệt xuất hơn là trở thành người tạo ra cơ hội cho mình và cho cộng đồng, thế giới. Tuổi trẻ không có gì để mất, vậy nên, đừng sợ và ngại thử thách.
- Trần Vũ Anh, sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành SSSMarket
Đó là lúc Vũ Anh nhìn thấy tiềm năng ở thị trường thời trang. Không nhiều người làm công nghệ dấn thân ở lĩnh vực này, trong khi trải nghiệm mua sắm thời trang của người dùng trên sàn thương mại điện tử còn hạn chế.
Sau gần 2 năm ra mắt, đến nay, SSSMarket đã thu hút 600.000 người dùng đăng ký, mỗi ngày có khoảng 20.000 người dùng thường xuyên. Trên cửa hàng của Google và Apple, ứng dụng nhận được nhiều phản hồi tốt nhờ trải nghiệm thân thiện, tích hợp nhiều xu hướng mới như livestream, quản lý hàng tồn kho, thống kê doanh thu.
Cách đây 3 năm, sau nhiều năm học tập và sinh sống tại Nhật Bản, có công việc ổn định trong công ty lớn, Vũ Anh nghĩ, nếu cứ sống trong vùng an toàn sẽ phải hối hận. Khi chứng kiến sự lớn mạnh của làn sóng khởi nghiệp tại quê hương, anh quyết định đưa cả gia đình nhỏ rời Nhật Bản về Việt Nam sinh sống và khởi nghiệp. Mục tiêu của Vũ Anh khi đó chỉ là làm một cái gì đó để đóng góp cho sự phát triển của đất nước qua công nghệ.
“Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong 3 năm qua là không chỉ xây dựng công nghệ, sản phẩm, mà là xây dựng con người. Những người đã đồng hành với tôi sẽ là chìa khóa để truyền cảm hứng, thay đổi và lan tỏa niềm đam mê tới những bạn trẻ xung quanh”, Vũ Anh chia sẻ.
Theo CEO của SSSMarket, tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam đang sôi sục vì họ thích làm ra cái gì đó của riêng mình, song còn khá manh mún, nhỏ lẻ, dễ làm, dễ bỏ cuộc do không được hỗ trợ tốt về nguồn vốn cũng như đào tạo kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm.
Vậy nên, từ những kinh nghiệm nắm bắt được tại thị trường Nhật Bản và quá trình tham gia một số dự án khởi nghiệp của bản thân, Vũ Anh cho rằng, trước khi khởi nghiệp, các bạn trẻ nên đặt ra hai câu hỏi. Một là, mô hình kinh doanh của mình có tốt không, có thể phát triển, nhân rộng trong tương lai không. Hai là, sản phẩm mình làm có phù hợp nhu cầu của thị trường không.
“Nếu thiếu một trong hai, start-up khó có thể thành công và nên cân nhắc thay vì khởi nghiệp một cách mù quáng”, Vũ Anh chia sẻ.