Băn khoăn về hạn mức thanh toán cá nhân
Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN được tổ chức cuối tuần trước, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, thanh toán điện tử tăng khá nhanh thời gian qua. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch tài chính trên Internet là 178 triệu đồng (tăng 33%) với giá trị 11 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017.
Số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động là 122 triệu đồng (tăng 29%) với giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù đã có 29 trung gian thanh toán (không phải là ngân hàng thương mại) nhưng thị trường được đánh giá rất tiềm năng với dân số trẻ, 55% người dùng điện thoại có smart phone, thương mại điện tử dự báo tăng khoảng 20 - 22%/năm trong 3 năm tới.
Do đó, TS. Lực nhấn mạnh: “Việc sửa đổi Thông tư số 39/2014/TT-NHNN là cần thiết, để khuyến khích thị trường phát triển và quản lý ví điện tử. Tuy nhiên, cần rà soát, xem xét một số điểm của Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung về trung gian thanh toán”.
Theo TS. Lực, Nghị quyết 02 có đề cập giao Ngân hàng Nhà nước báo cáo “phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng”, trong khi Ðiều 9 chưa thể hiện rõ điều này. Dự thảo quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng, tối đa là 20 triệu đồng/ngày. Vậy, nếu chủ ví cần dùng nhiều hơn 5 ngày trong 1 tháng thì sao? Phải chăng nên cân nhắc mức tối đa 1 tháng lớn hơn?
“Tổng tiêu dùng cá nhân năm 2018 là 4,1 triệu tỷ đồng. Một con số rất lớn. Nếu như chặn hạn mức 100 triệu đồng/tháng, phải chăng chúng ta đang kìm hãm thanh toán điện tử. Giới hạn này nên cân nhắc mở một chút, khoảng 150 đến 200 triệu đồng/tháng”, ông Lực đề xuất.
Ðồng quan điểm này, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Ví MoMo kiến nghị cơ quan quản lý nới hạn mức giao dịch của một ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng lên 200 triệu đồng/tháng để chuẩn bị cho tương lai.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng, mặc dù thương mại điện tử có bước tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, nhưng thanh toán điện tử trở thành “câu chuyện” lớn nhất trong thương mại điện tử. Ông Hưng dẫn chứng, một gia đình đi du lịch Hàn Quốc cho 4 người, mua qua tour cũng khoảng 200 triệu đồng, do đó, mức giao dịch của một ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng sẽ là cản trở.
“Cơ quan quản lý nên cân nhắc kỹ để tạo sự thông thoáng, có độ mở cao hơn đối với ví điện tử”, ông Hưng nói.
Ðại diện Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam cũng phản ánh, nếu cho phép chỉ thanh toán qua ví điện tử 20 triệu đồng/ngày thì nhiều người đứng ra mua vé tàu cho một nhóm sẽ gặp khó khăn.
Bên cạnh nỗi băn khoăn về hạn mức liên quan đến thanh toán cá nhân 100 triệu đồng/tháng, bà Trương Cẩm Thanh, Giám đốc Zalo Pay cho biết, doanh nghiệp cũng lo lắng với nội dung trong Ðiều 8 của Dự thảo: “Tổng số dư trên tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các ví điện tử của các khách hàng tại thời điểm kết thúc ngày giao dịch”.
“Chúng tôi mong muốn, có thể tính cả số tiền doanh nghiệp đang ghi nợ từ ngân hàng cùng với số dư ngân hàng sẽ trả cho ví điện tử (trung gian thanh toán) vào thời điểm hôm sau. Hai món này cộng lại với nhau, nếu so với tổng số dư ví điện tử nếu không thấp hơn sẽ là hợp lý hơn”, bà Thanh nói.
Cần dung hòa giữa kiến tạo và kiểm soát, quản lý
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh về nguyên tắc mà NHNN quán triệt là số dư của ví phải luôn luôn đảm bảo ở ngân hàng. “Ðây là nguyên tắc bất di bất dịch. Vì tiền nạp vào ví là tiền của người dân. Doanh nghiệp ví hay một doanh nghiệp nào đó có thể một ngày đẹp trời phải đóng cửa, làm ăn thua lỗ. Nên khi số dư của ví ở ngân hàng thì tiền của người dân mới được đảm bảo”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, căn cứ đề xuất quy định hạn mức giao dịch tối đa của 1 ví điện tử đối với cá nhân là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng là dựa vào tình hình thực tiễn. Hiện cả nước có 29 đơn vị trung gian thanh toán. Ðơn vị cung cấp ví điện tử có số lượng lớn nhất khoảng 60 triệu giao dịch/năm. Giá trị giao dịch bình quân lớn nhất khoảng 5 triệu đồng và mức thông thường chỉ xoay quanh 200.000 đồng. NHNN có nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và nhận thấy Trung Quốc - thị trường phát triển lớn nhất cũng áp dụng hạn mức theo năm và tương đương như của Việt Nam.
“Việc phải đặt hạn mức giá trị giao dịch tối đa này là nhằm tránh trường hợp mua bán kinh doanh sau đó sử dụng ví điện tử để che giấu vì mục đích khác như không khai báo thuế…”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, cá nhân ông không muốn đặt hạn mức thanh toán theo ngày, nhưng mức thanh toán tối đa theo tháng là 100 triệu đồng là cần thiết và phù hợp. Theo ông, rất ít cá nhân không tiêu hết 100 triệu đồng/tháng qua ví nên doanh nghiệp trung gian thanh toán cũng không cần quá lo lắng. Thực tế, theo thống kê của NHNN, giá trị giao dịch bình quân thực tế của một ví điện tử là 58.870 đồng/ngày và 1,7 triệu đồng/tháng. Con số thống kê này cho thấy quy mô của thị trường rất nhỏ bé và số lượng giao dịch cũng rất khiêm tốn.
“Nếu chúng ta áp dụng mức 100 triệu đồng/tháng thì có nghĩa tăng hơn rất nhiều so với mức thực tế hiện nay. Nên hạn mức 100 triệu đồng/tháng là phù hợp. Sau 5 năm nữa, nếu hạn mức này không phù hợp thì chúng ta lại sửa đổi. Hơn nữa, nếu người dân có nhu cầu thanh toán cao hơn số tiền này thì có thể sử dụng những phương thức thanh toán khác”, ông Dũng nói.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính - ngân hàng, EY Việt Nam cho rằng, hạn mức đối với thẻ trả trước phi vật lý đã có ở mức 5 triệu đồng, NHNN sau này có thể tiến tới mức không cần xác thực khách hàng một cách trực tiếp thì cho mở tài khoản thanh toán hơn 5 triệu đồng, tương đương thẻ trả trước phi vật lý. Còn lại, người dân muốn sử dụng nhiều dịch vụ hơn, muốn làm nhiều việc hơn xin mời đến ngân hàng, cung cấp chứng minh thư… để có thể giao dịch không giới hạn.
“Từng hạn mức, đối với từng “nấc” rủi ro trong việc quản lý tài khoản của người dân, đảm bảo tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức trung gian thanh toán tại ngân hàng được liên kết với nhau. Khi chia từng “nấc”, thứ nhất, sẽ phản ánh tiến độ phát triển của thị trường, đảm bảo được sự an toàn từ phía cơ quan quản lý, trung gian thanh toán và người sử dụng ví; thứ hai, là bước thử để xem mức độ chấp nhận cũng như người dân thấy có nhiều chính sách mở hơn trong việc khuyến khích không dùng tiền mặt của Chính phủ, cũng như thúc đẩy tài chính toàn diện”, bà Dương nhấn mạnh.
Theo TS. Lực, “việc mở cần dung hòa giữa kiến tạo và kiểm soát, quản lý. Mở không phải là mở toang mà mở có kiểm soát”.